Quá tải đường dây cục bộ, tuần này sẽ họp để quyết định giá điện mặt trời mới?
Sẽ sớm có quyết định giá điện mặt trời
Phát biểu tại Hội thảo Tuần lễ Năng lượng Tái tạo Việt Nam 2019, ông Đỗ Đức Quân Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: "Chính phủ đã yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá và xem xét kĩ lượng về điện mặt trời.
Trong tuần này hoặc tuần tới, Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định về giá điện mặt trời FIT 2".
Trao đổi với người viết bên lề sự kiện, ông Đào Trọng Từ, Giám đốc Liên minh Năng lượng bền vững, cũng đã xác nhận cuộc họp quyết định giá FIT 2 với điện mặt trời sẽ diễn trong tuần này hoặc tuần sau.
Ông Đào Trọng Từ, Giám đốc Liên minh Năng lượng bền vững. Ảnh: Đức Quỳnh
Ông Quân cho biết, về nguyên tắc giá FIT 1 chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích một nguồn năng lượng nào đó phát triển. Giá FIT 1 của điện mặt trời được áp dụng là 9,35 cent/kWh và kéo dài đến 31/6.
"Đối với giá FIT 2 nếu được chính phủ chấp thuận có khả năng sẽ được áp dụng đến ngày 31/12/2021", ông Quân cho biết.
Quá tải đường dây cục bộ
Theo đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thời gian qua cơ quan này đã tham vấn ý kiến của nhiều quốc gia và cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên giảm các nguồn điện năng lượng tập trung và khuyến khích các nguồn tiêu thụ tại chỗ nhằm giảm áp lực về đất đai và công suất truyền tải.
Trong 8 tháng đầu năm, các dự án điện mặt trời đã phát được 2,85 tỉ kWh tương đương 106% kế hoạch năm. Kế hoạch điện tái tạo kí cuối năm 2018, Bộ Công Thương vẫn chưa tính đến hết độ bùng nổ của điện mặt trời.
Theo ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng quá tải cục bộ đang là vấn đề lớn của việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời, nhất là trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận do tốc độ đi vào vận hành của các dự án quá lớn.
"Thông thường, một dự án nhà máy điện mất khoảng vài năm mới có thể đi vào hoạt động do quá trình cấp phép và xây dựng tốn nhiều thời. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời thì chỉ mất vài tháng là xong nên quá tải cục bộ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới", ông Đăng cho biết.
(Đồ họa: TV)
Theo ông Tứ: "Nếu sản xuất ra mà không phát được thì cũng vô nghĩa. Khi bắt đầu làm điện mặt trời, các bên cần cân đối giữa quy hoạch và hạ tầng phát triển. Các bên cần phải kiểm soát được cả đầu vào lẫn đầu ra".
Mặc dù vậy, việc bùng nổ các dự án mặt trời đã có tác động tích cực trong việc bổ sung nguồn cung điện.
Ông Đăng cho biết suốt ba năm gần đây, không có một dự án công suất lớn nào được khởi công, trong khi mặt nhu cầu hệ thống điện tăng 4.000 - 5.000 MW mỗi năm. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nguồn mặt trời bổ sung tốt cho nguồn điện, công suất tối đa 3.519 MW.
Sản lượng phát tối đa từ 25 đến 26 triệu kWh mỗi ngày, tương đương sản lượng phát điện than công suất 1.200 MW như nhà máy Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2.
Quá tải cục bộ nhưng tại sao nhà đầu tư vẫn đổ xô xây dựng?
Trả lời câu hỏi này, ông Đăng cho rằng do mức giá FIT 1 là 9,35 cent quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
"Tôi cho rằng nhà đầu tư cũng đã lường trước được khả năng quá tải cục bộ. Tuy nhiên, mức giá 9,35 cent/kWh quá hấp dẫn và họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro", ông Đăng nói.
Đại diện của EVN thông tin, trước đây tập đoàn cũng đã khuyến nghị các nhà đầu tư lắp thêm hệ thống pin để dự trữ điện vào thời gian cao điểm. Điều này xét về kĩ thuật sẽ rất hiệu quả và giảm áp lực cho đường dây tải điện.
Nhưng vì lí do tài chính và hiệu quả lợi nhuận không cao nên hiện vẫn chưa có nhà đầu tư nào lắp hệ thống pin.
Ngoài ra, ông Đăng cũng bình luận rằng nếu Chính phủ duy trì mức giá 9,35 cent/kWh thì cần phải xem xét lại phía khách hàng có chấp nhận không? Hiện EVN đang bán điện cho khách hàng với giá trung bình 8 cent/kWh trong khi giá điện mặt trời là 9,35 kWh.
Nếu tính thêm chi phí truyền tải (100 đồng/kWh) và chi phí phân phối (300 đồng/kWh) tổng cộng là 400 đồng/kWh (tương đương 1,7/kWh) thì giá điện sẽ là 11 cent/kWh.