|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giá một cổ phiếu chứng khoán gấp 3 lần sau 10 phiên

16:08 | 22/12/2020
Chia sẻ
Kể từ phiên 9/12, giá cổ phiếu SBS đã trải qua chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp, tương ứng tỷ lệ tăng 170% lên 4.600 đồng. Cùng với đó, thanh khoản mã này cũng tăng đột biến, có phiên đạt tới 8,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Giá cổ phiếu tăng 170% sau 10 phiên 

Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng điểm mạnh cùng thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức trên 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, theo đó tâm điểm thị trường hướng đến nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán.

Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành như SSI, HCM, VND, SHS hút tiền, dòng tiền đầu cơ còn đổ vào những mã penny, chẳng hạn như SBS, VIG, ART. 

Bắt đầu từ ngày 9/12, cổ phiếu SBS đã có chuỗi phiên tăng trần ấn tượng và lập đỉnh 5 năm tại 4.600 đồng/cp khi chốt phiên hôm nay (22/12). 

Thanh khoản của mã này cũng tăng đột biến, có phiên đạt 8,5 triệu đơn vị khớp lệnh, mức cao nhất kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM. 

 - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu SBS kể từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Tradingview).

Tình hình kinh doanh biến động mạnh 

Từ một công ty "ăn nên làm ra" trong giai đoạn 2007 - 2010, tình hình kinh doanh của Chứng khoán Sacombank đã lao dốc trong năm 2011 khi ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục gần 789 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân chính là chi phí lãi vay và dự phòng tới gần 1.000 tỷ đồng. 

Cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Sacombank cũng có sự thay đổi lớn khi công ty mẹ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 56,4% xuống còn 11%. Đây cũng là khoảng thời gian giá cổ phiếu STB giảm từ 33.000 đồng/cp xuống còn 5.000 đồng/cp.

Sang đến năm 2012, Chứng khoán Sacombank tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ba con số 134,5 tỷ đồng, đưa tổng lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2012 là 1.768 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu SBS đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trên HOSE từ ngày 29/8/2012. 

Tuy nhiên, đến năm 2014, công ty gây bất ngờ với khoản lãi sau thuế đột biến 445 tỷ đồng. Theo giải trình, công ty đã được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán 239 tỷ đồng trong năm 2013 và hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi gần 90 tỷ đồng, đồng thời việc giải quyết khoản nợ 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cũng giúp công ty ghi thêm vào khoản mục lợi nhuận khác.  

Một cổ phiếu chứng khoán tăng gần gấp ba sau 10 phiên - Ảnh 2.

(Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ BCTC của Chứng khoán Sacombank).

Từ đó đến nay, tình hình kinh doanh cũng công ty không mấy khả quan với doanh thu chỉ duy trì trong khoảng 50 - 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế không vượt quá 10 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, công ty báo cáo doanh thu thuần đạt 58 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9 là 1.314 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính đến hết tháng 9 ở mức 274 tỷ đồng, thấp hơn 198 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tới 91%, đạt 248 tỷ đồng.

Thương vụ sáp nhập với Chứng khoán HVS bất thành

Đầu năm 2019, thương vụ sáp nhập giữa Chứng khoán Sacombank và Chứng khoán HVS tràn ngập thông tin trên thị trường và được giới đầu tư kỳ vọng về một kịch bản xoá lỗ của cả hai công ty. 

Tuy nhiên, ngày trước thềm đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Chứng khoán Sacombank, các tờ trình liên quan đến việc sáp nhập với Chứng khoán HVS đã được rút khỏi nội dung thảo luận và kế hoạch này bị tạm gác lại cho đến nay. 

Mới đây, Chứng khoán HVS Việt Nam đã nhận được quyết định của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông. Số cổ phần chuyển nhượng chiếm 100% vốn điều lệ.

 - Ảnh 3.

Quyết định chuyển nhượng cổ phần của Chứng khoán HVS. (Nguồn: HVS).

Theo đó, bà Lê Hồng Anh nhận 2,45 triệu cổ phiếu HVS, tương đương 49% vốn điều lệ, từ ông Đường Văn Tài. Ông Nguyễn Toàn Thắng nhận chuyển nhượng 1,44 triệu cổ phần (tỷ lệ sở hữu 28,72%) từ ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng.

1,11 triệu cổ phần còn lại, tương đương 22,28% vốn điều lệ do ông Phạm Ngọc Chiến nắm giữ sẽ được chuyển sang cho ông Nguyễn Đình Đại.

Trong số các cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần HVS, bà Lê Hồng Anh là vợ và ông Nguyễn Toàn Thắng là em trai của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thành Công. Như vậy, nếu các giao dịch diễn ra thành công, Hyundai Thành Công sẽ là chủ sở hữu mới của Chứng khoán HVS.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.