|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng 8

16:34 | 07/09/2019
Chia sẻ
Báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực trung bình đạt 169,8 điểm, giảm 1,1% so với tháng 7 nhưng vẫn tăng 1,1% so với cùng kì năm 2018.

Theo FAO, đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số giá lương thực thế giới giảm theo tháng, với mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở giá đường và giá ngũ cốc, đánh bật sự gia tăng của những mặt hàng khác, đặc biệt là dầu thực vật.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc trung bình đạt 157,6 điểm trong tháng 8, giảm tới 6,4% so với tháng 7 và 6,6% so với tháng trước.

Tương tự như tháng 7, sự sụt giảm của chỉ số phản ánh giá lúa mì và hạt giảm mạnh, đặc biệt là ngô. Giá lùa mì vẫn đang chịu áp lực lao dốc, với tác động từ nguồn cung sẵn có cho xuất khẩu, và theo đó gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu lớn. 

Trong tháng 8, chỉ số giá dầu thực vật trung bình tăng 5,9% lên 133,9 điểm so với tháng trước đó, và đánh dấu mức cao nhất trong 11 tháng. Sự gia tăng phản ánh mức giá tốt hơn của dầu cọ và một số loại dầu khác. 

Giá dầu cọ quốc tế tăng, nhờ sự phục hồi trong nhu cầu nhập khẩu và lượng tồn kho thấp hơn dự kiến tại Malaysia. Cùng với đó, tình hình thời tiết không thuận lợi tại các khu vực trồng cọ chính của Indonesia dấy lên lo ngại về nguồn cung trong tương lai. 

Báo cáo từ FAO cho biết chỉ số giá thịt cũng tiếp tục tăng trong tháng 8, tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó lên 179,8 điểm, theo đó duy trì xu hướng tăng nhẹ hàng tháng kể từ tháng 2.

Với đợt tăng mới nhất này, chỉ số giá thịt tăng 12,3% so với tháng 1 và 7,8% so với cùng kì năm ngoái. 

Tháng 8, giá thịt heo tiếp tục tăng, nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc khi dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn hạn chế sản xuất thịt heo tại địa phương. 

Trong khi đó, dù nhu cầu nhập khẩu mạnh, giá thịt gia cầm và thịt cừu duy trì ổn định, phản ánh sự sẵn có của nguồn cung cho xuất khẩu gia tăng từ các nhà sản xuất chính. 

Đối với thịt bò, trong khi thương mại quốc tế vẫn mạnh mẽ, giá thịt bò tính theo đồng USD giảm, phản ánh sự suy yếu của đồng tiền tại các quốc gia xuất khẩu lớn, gồm cả Australia. 

Chỉ số giá sữa và sản phẩm sữa cũng tăng nhẹ 0,5% so với tháng 7 lên 194,5 điểm trong tháng 8. Còn chỉ số giá đường giảm 4% so với tháng 4/2019 xuống 174,8 điểm. 

Đợt giảm mới nhất của giá đường quốc tế chủ yếu do đồng real Brazil suy yếu, theo đó có xu hướng kích thích xuất khẩu đường. 

Triển vọng xuất khẩu mạnh từ Ấn Độ và Mexico trong năm 2019 - 2020 tiếp tục gây áp lực lên giá đường. 

Lyly Cao