Giá lúa gạo hôm nay 19/5: Nhiều giống lúa, gạo duy trì xu hướng đi ngang
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 20/5
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (19/5) không có điều chỉnh mới, tiếp tục thu mua ở các mốc giá không đổi so với ngày hôm qua. Theo đó, lúa IR 50404 (khô) thu mua tại mức 6.500 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) hiện có giá 5.400 - 5.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giữ mốc 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 đạt mốc 5.700 - 5.800 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg
Cùng đi ngang còn còn các giống lúa OM. Trong đó, OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 đang giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Giá các loại nếp chững lại ở tất cả loại giống được khảo sát. Theo đó, nếp AG (khô) dao động trong khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 19/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang giữ nguyên so với hôm qua. Gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen có giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật đi ngang tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Áp lực lớn cho sản xuất lúa Hè Thu tại Vĩnh Long
Nhiều nông dân bày tỏ chưa bao giờ sản xuất lúa lại phải đắn đo, phải đối mặt với nhiều cái lo như vụ lúa Hè Thu này. Thường ở các vụ trước chỉ lo 2 cái chính là: thiếu nước và thời tiết, nhưng vụ này còn có thêm giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao.
Vừa xuống giống vụ Hè Thu muộn 35 công ruộng cách đây ít ngày, anh Võ Quốc Phong (ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cho biết, từ vụ lúa Đông Xuân trước, anh đã lỗ 40 triệu đồng do chi phí sản xuất tăng mạnh, mà giá lúa thì đứng yên.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Tâm (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cũng cho hay, vật tư nông nghiệp lên giá quá nên vụ này anh “lơi vụ” vừa để giảm chi phí đầu tư, phần cũng để nhử lúa cỏ, nên năm nay chỉ làm 2 vụ, theo báo Vĩnh Long.
Bên cạnh áp lực giá phân bón tăng, nhiều nông dân “lơi” vụ lúa Hè Thu này cho hay còn để nhử lúa cỏ. Bởi, lúa cỏ xuất hiện và phát triển không chỉ khiến người nông dân phải vất vả tỉa bỏ mà còn kéo theo chi phí canh tác tăng cao, gây thiệt hại về kinh tế.
Một số nông dân chia sẻ, với những diện tích có lúa cỏ, chi phí này cao gấp từ 2 - 3 lần. Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, trổ sớm, hạt dễ rụng, sức nảy mầm cao. Khi xuất hiện, lúa cỏ sinh trưởng khỏe lấn át lúa thường và không chịu ảnh hưởng của các loại thuốc trừ cỏ.
Ông Dương Ái Đạo, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết, vụ lúa Hè Thu này, có nhiều xã trong huyện thực hiện giãn vụ như xã Tân An Luông, Hiếu Thuận, Hiếu Nhơn, Trung Hiệp,…
Nguyên nhân là do chi phí vật tư nông nghiệp cùng các chi phí sản xuất khác cũng tăng mạnh khiến nông dân ngán ngại sản xuất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng hạn mặn đầu năm, khiến việc xuống giống gặp khó khăn, khiến nông dân xuống giống trễ, nên chỉ làm 2 vụ. Đồng thời, tình trạng lúa cỏ, lúa lộn cũng xuất hiện nhiều.
Việc phòng trừ lúa cỏ, lúa ma đối với người nông dân đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, lúa cỏ thường trổ bông sớm, hạt dễ rụng và khi có điều kiện thuận lợi là chúng nảy mầm phát triển.
Để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa, khuyến cáo bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận), hạn chế việc tự để giống qua các vụ; làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót cân đối, đầy đủ theo quy trình để cây lúa hút đủ chất dinh dưỡng.