Giá lúa gạo hôm nay 15/4: Nhiều giống lúa quay đầu giảm 100 - 300 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (15/4) quay đầu giảm từ 100 đồng/kg đến 300 đồng/kg tại một số giống lúa trong bảng khảo sát. Theo đó, lúa IR 50404 điều chỉnh về mức 5.500 - 5.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua. Tương tự, Đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg, hiện thương lái đang thu mua mới giá 5.700 - 5.900 đồng/kg. OM 5451 cũng điều chỉnh 100 đồng/kg trong hôm nay, hiện giá lúa còn khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg. Lúa OM 18 giảm nhiều nhất là 300 đồng/kg xuống còn 5.700 - 5.900 đồng/kg.
Các giống lúa khác vẫn tiếp tục chững lại trong hôm nay. Cụ thể, Nàng Hoa 9 thu mua tại mốc 5.900 - 6.000 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang ở mức 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá từ 8.000 - 8.500 đồng/kg và OM 380 duy trì giá 5.500 - 5.600 đồng/kg.
Giá nếp hôm nay không biến động. Một số loại nếp như Long An (tươi), nếp AG (tươi) và nếp ruột tiếp tục đi ngang so với hôm qua.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 15/4 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang không ghi nhận điều chỉnh mới. Theo đó, gạo thơm Jasmine đang có giá là 15.000 - 16.000 đồng/kg, Sóc thường tiếp tục giữ mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài đi ngang khi thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài chững lại, giữ mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng đang có giá 14.000 đồng/kg.
Nỗi lo khan hiếm giống lúa vụ Hè Thu tại Bình Định
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngành chức năng Bình Định đã có kế hoạch sản xuất rất tốt, né hết những bất lợi về thời tiết. Thế nhưng, mưa lớn đã khiến nước dâng bất thường, làm ngập hàng chục ngàn ha lúa và gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, thiệt hại nặng nề nhất của nông nghiệp Bình Định trong vụ Đông Xuân này là những khoảng gần 2.000ha diện tích sản xuất lúa giống, trong đó khoảng 50 - 60% bị ngập không thể làm giống. Thực tế này khiến ngành chức năng Bình Định lo lắng về giống lúa cho vụ Hè Thu sắp tới.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thống kê nhu cầu giống lúa cho vụ Hè Thu trong khu vực, từng tỉnh có nhu cầu giống số lượng bao nhiêu, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Song song đó, Viện này cũng tính toán luôn khả năng cung ứng giống cho vụ Hè Thu trong khu vực Nam Trung bộ. Khoản giống bị thiếu, các địa phương sẽ "cầu cứu" Trung ương xuất kho giống Dự trữ Quốc gia cung ứng. Riêng Cục Trồng trọt sẽ khẩn trương ban hành văn bản gửi đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất giống lúa chuẩn bị giống cung ứng cho bà con trong khu vực.
Khả năng thiếu giống của Bình Định là hiển hiện và rất nghiêm trọng. Nếu trong vụ Hè Thu tới đây, ngành chức năng Bình Định không làm tốt công tác quản lý giống, có thể sẽ xảy ra tình trạng giống kém chất lượng thâm nhập thị trường, làm ảnh hưởng đến năng suất của vụ Hè Thu, khi ấy khó khăn của bà con nông dân sẽ nhân đôi.
Riêng đối với Bình Định, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị ngành chức năng khẩn trương thống kê nhu cầu giống lúa trong vụ Hè Thu tới, sau đó tính toán luôn khả năng cung ứng giống tại địa phương. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất giống lúa, kể cả những doanh nghiệp ở miền Nam và Tây Nguyên đề xuất mua những giống lúa nằm trong cơ cấu để chủ động nguồn giống.