Giá heo thấp, Vissan lãi 9 tháng gần 112 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm
CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan - Mã: VSN) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2017.
Ghi nhận trong kỳ, Doanh thu thuần quý III tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt mức 945 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nhẹ 2% xuống còn 698,7 tỷ đồng. Doanh thu tăng, giá vốn giảm dẫn đến lợi nhuận gộp thu về tăng trưởng ở mức 36%, đạt 247 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 20% quý III năm ngoái lên 26%.
Trong kỳ ghi nhận 5 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng gần một nửa lên 4,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 22% lên 116 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 76% lên 83 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế tăng 27%, đạt 38,9 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh số của Vissan không có sự thay đổi nhiều so với cùng kỳ, ở mức 2.820 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nhẹ 4% còn 2.088 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tăng trưởng 33%, đạt 732 tỷ đồng.
Trong kỳ 9 tháng, Vissan thu về 10,9 tỷ đồng cho doanh thu tài chính với mức tăng 42% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính bỏ ra ghi nhận ở mức 13,9 tỷ đồng, tăng 18% so với kỳ trước, ghi nhận mức tăng chủ yếu do chi phí lãi vay.
Cả chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng. Chi phí bán hàng tăng 24% đạt 375,5 tỷ, còn chi phí bỏ ra cho quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 215,9 tỷ đồng với mức tăng 70%. Nguyên nhân chủ yếu do mức tăng của chi phí nhân viên bán hàng và chi phí dịch vụ mua ngoài.
Lợi nhuận sau thuế đạt 111,7 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng gần 20% so với cùng kỳ, đạt gần 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra là 124,8 tỷ đồng.
Theo giải trình từ Ban giám đốc, mức tăng này chủ yếu do công ty triển khai tốt các chương trình bán hàng vì vậy doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước và công ty quản lý tốt hơn các định mức sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, giá nguyên liệu đầu vào, cụ thể là gía heo trong nước thấp đã giúp doanh nghiệp giảm được chi phí và tăng lợi nhuận thu về.
Nguồn: Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Lý giải về thực trạng giá heo trong nước rớt liên tục, Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra hai nhóm nguyên nhân chính.
Thứ nhất chính là do nguồn cung đang lớn hơn cầu.Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến việc tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Ngoài thói quen tiêu dùng “thịt tươi”, khâu chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi bởi mới chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực này.