|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi cuối năm có thể phục hồi mạnh: Miếng bánh chỉ dành cho những ông lớn ngành chăn nuôi?

06:30 | 06/10/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi đang ở mức thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ phải chịu thua lỗ và lượng heo tồn đọng còn nhiều, nhiều trang trại e ngại việc tái đàn vì cạn vốn. Trong khi đây được xem là cơ hội cho các ông lớn ngành chăn nuôi để đón sóng cuối năm.

Nguy cơ cuối năm thiếu thịt heo, giá sẽ tăng mạnh trở lại

Vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, nhiều tỉnh thành phố lớn trong đó có Hà Nội và TP HCM phải giãn cách xã hội, khiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể khu tại trường học, khu công nghiệp phải đóng cửa. 

Trong khi đây là những nguồn tiêu thụ thịt heo lớn. Điều này khiến giá heo hơi giảm tới 50% so với hồi đầu năm xuống còn khoảng 38.000 - 47.000 đồng/kg và đàn heo bị ứ đọng trong chuồng còn nhiều. 

Giá heo hơi cuối năm có thể phục hồi mạnh: Miếng bánh chỉ dành cho những ông lớn ngành chăn nuôi? - Ảnh 1.

Diễn biến giá heo hơi từ 5/2020 đến tháng 9/2021. (Số liệu: tổng hợp, biểu đồ, Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì việc thiếu cục bộ không thể tránh được, đặc biệt dịp Tết năm nay khi nhu cầu tăng cao 10 - 15%. Trong khi đó , thịt heo lại chiếm 65 - 66% trong rổ thực phẩm thịt".

Ông Trọng cảnh báo giá heo hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung - cầu tăng mạnh.

Thông thường, thời điểm thả giống để phục vụ dịp Tết rơi vào khoảng tháng 7 bởi phải mất 6 - 8 tháng mới có thể xuất chuồng.

Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự heo quá lứa trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong những tháng qua đã tăng phi mã tới 40%. Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn.

Cơ hội lớn cho các "tay to" ngành chăn nuôi

Triển vọng giá heo hơi có thể phục hồi mạnh vào cuối năm được xem là cơ hội cho các ông lớn của ngành chăn nuôi trong khi lại là điều tiếc nuối với những hộ, trang trại nhỏ lẻ khi họ vẫn đang "mắc kẹt" với số heo quá lứa, trong khi vốn đã cạn dần, chưa thể thả mới để kịp lễ Tết.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang có lợi thế vượt trội về vốn và hệ sinh thái của họ trong chăn nuôi heo từ giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, dây chuyền giết mổ, sản xuất sản phẩm chế biến từ thịt đến hệ thống phân phối.

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay 16 doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi vẫn đang tái đàn và tiêu thụ tốt. Theo đó, tổng lượng heo thịt của 16 doanh nghiệp này đạt 5,5 triệu con, tương đương 23% tổng của cả nước. 

Với những lợi thế về chăn nuôi khép kín, chi phí sản xuất của doanh nghiệp lớn chỉ khoảng 43.000 đồng/kg. Trong khi, các hộ chăn nuôi nhỏ và trang trại nhỏ chưa chủ động được thức ăn và giống phải chịu chi phí lên tới 55.000 đồng/kg. 

Điển hình như chi phí con giống giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp khép kín chênh lệch nhau tới 700.000 đồng/con, tương đương giá thành cho 1 kg heo hơi tăng thêm 7.000 đồng. 

Ngoài ra, giá thức ăn, chiếm 60 - 70% chi phí nuôi heo, có lúc tăng tới 40%.

Trong khi đó, các ông lớn ngành chăn nuôi sở hữu hệ thống nhà máy sản xuất thức chăn nuôi với công suất "khủng" vừa để bán ra ngoài và vừa phục vụ cho hoạt động sản xuất nội bộ.

Chẳng hạn như Dabaco sở hữu hệ thống nhà máy thức ăn chăn nuôi tại các địa bàn trọng yếu từ Bắc vào Nam, với tổng công suất lên đến 1,5 triệu tấn/năm, với các thương hiệu như DABACO, Topfeeds, Nasaco, Kinh Bắc, Khangti Vina, Growfeed, Nutreco, Sunshine, S-Star.

Hay như Mavin đã đầu tư 5 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại tại Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Đồng Tháp với tổng công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn mỗi năm.

Ngoài ra, Masan MeatLife cũng có 13 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất đến cuối năm 2020 đạt gần 3,3 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, sự đa dạng trong đầu ra và hệ thống phân phối giúp các doanh nghiệp không bị bế tắc khi hàng loạt thành phố giãn cách.

Masan MeatLife cho biết sản phẩm MEATDeli được phân phối ở hơn 1.600 điểm bán tại hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, CoopMart, CoopXtra, BigC, các hệ thống siêu thị khác, các cửa hàng MEATDeli và đại lý thực phẩm.

Dự định đến cuối 2021, tổng số điểm bán MEATDeli sẽ lên đến gần 4.200 điểm. Trong thời gian tới, công ty đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt heo Việt Nam, hiện đang có giá trị khoảng 10 tỷ USD.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) cũng phân phối sản phẩm thông qua các hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam như CoopMart, SatraMart, VinMart,… 

Đồng thời, sản phẩm VISSAN hiện đã có mặt tại hơn 132 nhà phân phối, 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc

Các hộ, trang trại quy mô nhỏ, vừa phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến mua sau đó, heo được chuyển qua lò mổ và phân phối qua các chợ truyền thống. 

Tuy nhiên, thời gian giãn cách, thương lái cũng không thể đến mua và rồi heo ùn ứ tại chuồng. 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề vì đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nhưng thời gian qua, hoạt động thu mua heo bị đình trệ khi đội ngũ thương lái bị cách ly rất nhiều và nhu cầu tiêu thụ thị thu hẹp do dịch COVID-19

Nếu những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài mà không có cách tháo gỡ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể dần kiệt quệ vì không còn vốn để duy trì hoạt động chăn nuôi, đầu tư tái đàn.

Số heo tồn đọng cũng không thể cấp đông bởi hệ thống kho lạnh hiện chưa thể đáp ứng; chi phí và rủi ro cao khi thói quen người tiêu dùng vẫn ưu chuộng thịt tươi.

Còn với các doanh nghiệp lớn, thịt heo còn được dùng cho các sản phẩm chế biến sẵn, để được lâu ngày như xúc xích, giò, chả...

Như vậy, ngay cả khi trong cơn "bão giá" heo hơi càn quét vừa qua thì các doanh nghiệp lớn mặc dù chịu ảnh hưởng nhưng vẫn trụ vững trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ phải rơi rụng.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng đây cơ hội tốt đối doanh nghiệp lớn trong ngành để đón "sóng" cuối năm.

Vị này cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tái đàn để chuẩn bị cho nguồn cung cuối năm. Ngoài ra, các địa phương chưa có dịch cũng sẽ tăng cường nuôi để bù đắp các tỉnh phải giãn cách, không thể thả lứa mới. 

Không chỉ thúc đẩy hoạt động chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay vốn để doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn.

H.Mĩ