|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi có thể phục hồi về gần mốc 60.000 đồng/kg, đâu là yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới?

07:00 | 25/04/2023
Chia sẻ
Với những tín hiệu tích cực của thị trường hiện tại, giới chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể duy trì đà tăng tăng nay đến cuối năm, tiến về gần mốc 60.000 đồng/kg nhờ các yếu tố hộ trợ như nguồn cung giảm, nhu cầu phục hồi...

Giá heo hơi bắt đầu phục hồi 

Sau đà giảm giá trong quý I, giá heo hơi trong nước bắt đầu phục hồi nhẹ trong tháng 4. Theo đó, tính đến ngày 24/4, giá heo hơi tăng khoảng 5% so với cuối tháng 3 lên 53.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 H.Mĩ tổng hợp

 

Bình luận về nguyên nhân của đợt phục hồi giá này, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại & dịch vụ Nông nghiệp Việt Nam, cho biết cho biết nhu cầu dần tăng nhẹ khi lượng khách du lịch tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân cũng tăng sau thời gian dài giảm sút do bị ảnh hưởng bởi kinh tế đi xuống, nhiều người mất việc làm và thu nhập giảm theo.

Theo đánh giá của giới phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, lượng heo bán tháo ra thị trường do ảnh hưởng từ đợt dịch tả heo Châu Phi đã giảm dần do đó áp lực nguồn cung thịt ra thị trường cũng bớt đi. Lo ngại về vấn đề dư thừa nguồn cung cũng lắng xuống khi nhiều nông hộ ngừng hoạt động tái đàn và doanh nghiệp lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các nông hộ nuôi heo nhỏ lẻ hiện đã giảm một nửa so với con số khoảng 4 triệu hộ thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo Châu Phi. Hiện tại, quy mô nuôi heo theo quy mô trang trại chiếm khoảng 55% sản lượng. 

Dẫu vậy, với mức giá hiện tại, sức ép đối với lợi nhuận đối với không chỉ người dân mà còn cả doanh nghiệp vẫn lớn.

Trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, ông Nguyễn Như So, cho biết với giá heo hơi hiện tại tập đoàn chắc chắn phải chịu đựng tới hết quý II.

“Trước đây, tổng đàn heo cả nước khoảng 28 - 29 triệu là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại thấp”, ông So cho biết.

Trong năm 2022, Dabaco trải qua thời kỳ khó khăn khi giá heo hơi xuống thấp trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi leo thang. 

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của Dabaco, lợi nhuận ròng cả năm 2022 của công ty chỉ còn 5 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 830 tỷ đồng của năm 2021. Dabaco cho hay năm ngoái tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng mạnh. Chưa kể, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chậm, giá bán thấp khiến người chăn nuôi thu hẹp hoặc dừng sản xuất, đã tác động đến kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Ông Nguyễn Như So chia sẻ: “Trong 27 năm ở Dabaco, tôi chưa khi nào phải họp với ban lãnh đạo tuần một lần, từ 7h sáng thậm chí là 3 ngày họp một lần. Hay 16, 17 năm nay, chưa khi nào tôi phải họp với đội thị trường nhưng gần một năm nay, tôi phải họp liên tục”.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Masan Meatlife cho biết trong bối cảnh sức mua nội địa giảm sút nhiều, trong khi đó, giá heo hơi  và giá gà hơi chìm xuống đáy, công ty đã chủ động giảm giá bán thịt mát để kích thích tiêu dùng.

 Sản phẩm thịt mát củaMasan Meatlife (Ảnh: H.Mĩ)

Loạt yếu tố hỗ trợ trong nửa cuối năm 2023

Những tín hiệu tích cực hơn được dự báo sẽ xuất hiện trong quý III. Theo ông Trọng, giá heo hơi phải đạt khoảng 60.000 đồng/kg thì toàn ngành bao gồm cả doanh nghiệp lẫn hộ nhỏ lẻ mới có lời.

Hiện tại, chi phí nuôi heo của doanh nghiệp khép kín khoảng 50.000 đồng/kg trong khi con số này của các hộ nhỏ lẻ là 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Việc giá heo hơi giảm trong thời gian dài và đang đi lên được kỳ vọng là đã tạo đáy thành công.

“Tôi cho rằng giá heo hơi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng vì giá đã giảm sâu nhiều tháng trở lại đây. Không chỉ heo, giá các loại thịt khác từ giá cầm đến bò cũng đồng loạt giảm và điều này chưa từng xảy ra trước đây.

Giá heo hơi sẽ trở về trạng thái bình thường, trong đó lợi ích cả người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng phải được hài hoà với nhau thì mới bền vững được. Hiện tại người tiêu dùng đang được hưởng lợi, khâu lưu thông cũng không ảnh hưởng nhiều vì họ mua cao bán cao, mua thấp bán thấp. Duy nhất khâu sản xuất hiện đang chịu thiệt hại lớn”, ông Trọng nói. 

Theo bộ phận phân tích của VNDirect, giá heo hơi sẽ cải thiện rõ rệt hơn vào quý III khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi và nguồn cung giảm. Với giá thành nuôi khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, hiện hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang lỗ.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện có khoảng 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng, 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán ra thấp.

“Chúng tôi dự phóng giá heo hơi năm 2023 có thể tăng 5% so với năm 2021 lên 59.000 đồng/kg do nguồn cung từ các hộ nhỏ lẻ giảm”, VNDirect nhận định.

Còn thời điểm hiện tại, bộ phận phân tích cho rằng trong quý II, giá heo hơi sẽ chỉ tăng nhẹ do chưa thấy dấu hiệu nguồn cung thiếu hụt.

Theo góc nhìn của doanh nghiệp về triển vọng giá heo hơi từ nay đến cuối năm, ông So cũng cho rằng giá heo sẽ còn tăng vì tổng đàn giảm. 

“Chủ quan thì nghĩ giá phải lên. Hiện giá đang quanh vùng 54.000 - 55.000 đồng/kg, tổng đàn giảm thì không có lý gì không lên. Vừa rồi, tổng đàn giảm cả các nước trong khu vực Trung Quốc, Thái Lan chứ không phải riêng Việt Nam”, ông So nói. 

Theo chủ tịch của Dabaco, kế hoạch của công ty bao giờ cũng tính tới  rủi ro. Ví dụ một con heo nái một năm đẻ ra khoảng 28 con thì chỉ chỉ tính 26, quá trình nuôi heo thịt thì tỷ lệ chết chỉ khoảng 5% thì tính toán đưa lên 7%. Lợi nhuận chỉ đưa ra mức 5-7%.

Trong năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm tiêu thụ nội bộ. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng).

 Số liệu: BCTC Dabaco, Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Năm 2023, Masan Meatlife đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 8.500 tỷ - 9.000 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 77% - 88% so với mức 4.785 tỷ đồng của năm 2022 nhờ sự mở rộng danh mục thịt heo mát, thịt gà mát và các sản phẩm chế biến từ heo, gà. Công ty dự kiến lỗ 300 tỷ đồng hoặc có lãi khoảng 100 tỷ đồng năm nay.

Cụ thể về chi tiết cơ cấu doanh thu, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết kế hoạch trên đã bao gồm phần của Masan Chinsu là 3.000 tỷ đồng, thịt heo mát MEATDeli là 2.500 tỷ, thịt gà mát (fresh chicken) là 1.200 tỷ đồng, các sản phẩm chế biến (short date) khoảng 300 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng từ mảng trang trại heo và 1.000 tỷ đồng từ mảng trang trại gà.

Biến số từ thị trường Trung Quốc

Giai đoạn trước, thị trường Trung Quốc được xem là yếu tố tác động nhiều đến giá heo hơi tại Việt Nam do hoạt động trao đổi buôn bán giữa hai nước theo đường tiểu ngạch. 

Hiện nước này đang xảy ra đợt bùng phát mới dịch tả heo Châu Phi và giá heo hơi cũng đang nhích dần lên.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang chiến đấu với sự bùng phát trở lại của dịch tả heo Châu Phi, căn bệnh gây ra cái chết của gần một nửa đàn heo của cả nước. Trong bối cảnh nhu cầu thịt heo đang phục hồi, những rủi ro về nguồn cung suy giảm có thể càng đẩy giá mặt hàng này tăng cao.  

Hiện tại, gia heo hơi của nước này cũng đang trên đà phục hồi. Theo số liệu từ trang Zhuwang, tính đến ngày 24/4, giá heo hơi giao dịch ở mức 14,4 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 48.000 đồng/kg) phục hồi 5% từ mức đáy của ít nhất 1 năm trở lại đây. 

 

 Diễn biến giá heo hơi Trung Quốc từ đầu năm đến nay (Nguồn:Zhuwang, Việt hoá: H.Mĩ)

Trong kịch bản của mình, VNDirect cũng đưa yếu tố Trung Quốc là một trong những động lực giúp giá heo hơi trong nước phục hồi trong giai đoạn nửa sau của cuối năm. 

Tuy nhiên, theo ông Trọng, thời điểm hiện tại, Trung Quốc không còn ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam. 

“Trước đây Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch nhiều sang Trung Quốc nhưng hiện nước này cũng đang kiểm soát chặt đường biên giới. Do đó, lượng xuất khẩu qua tiểu ngạch không đáng kể. Tuy nhiên, giá heo hơi Trung Quốc tăng cũng sẽ tác động tâm lý đến các hộ nuôi của Việt Nam. Ngoài ra, nếu trường hợp xấu, dịch tả heo Châu Phi lan rộng, ảnh hưởng lớn đến đàn heo, nước này cũng sẽ phải nhập khẩu ở toàn thế giới. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam”, ông Trong nhận định.

Tờ Bloomberg dẫn lời bà Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Rabobank, cho biết đợt bùng phát khá nghiêm trọng vào tháng 1 và tháng 2, đặc biệt là ở các vùng sản xuất phía bắc và một số khu vực vẫn đang chiến đấu với dịch bệnh. 

Bà ước tính rằng làn sóng mới nhất đã ảnh hưởng đến 10% đàn heo nái trên toàn Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng heo hơi, dẫn đến giá cao hơn trong những tháng tới. 

H.Mĩ