|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá hàng hóa dịp Tết dự báo tăng nhẹ

08:16 | 30/12/2018
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết, hiện có 23/63 tỉnh, thành phố báo cáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; trong đó, 8 địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết khá dồi dào và giá cả dự báo tăng nhẹ.


Hàng nông sản phong phú chủng loại kinh doanh tại kênh bán lẻ hiện đại. Ảnh: Mỹ Phuong - TTXVN

Nhằm bình ổn thị trường cuối năm về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 , Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan chủ động rà soát cung - cầu hàng hóa.

Cùng với đó, tổ chức các chương trình, nguồn hàng và phương án phục vụ Tết, các chương trình kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng, điểm mới năm nay là hầu hết các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách, tăng cường phương thức kết nối giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp có nhu cầu tham gia chương trình hoặc doanh nghiệp tự nguyện tham gia không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, Tết Nguyên đán 2019 diễn ra sớm (đầu tháng 2/2019), cách dịp Tết Dương lịch 2019 một tháng nên việc chuẩn bị cũng như mua sắm hàng hóa được dự báo sẽ sôi động vào thời điểm cuối tháng 12/2018.

Với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác dự trữ hàng hóa với tổng giá trị khoảng 28.500 tỷ đồng tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết 2018).

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018; trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành phố lớn đẩy mạnh hoạt động kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm lễ, Tết.

Ngoài ra, để thực hiện tốt việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách hiệu quả, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận trong việc kết nối, tạo nguồn hàng và đưa nguồn hàng tới người tiêu dùng, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ hoặc găm hàng chờ tăng giá, tạo sự đa dạng nguồn hàng.

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, chương trình dự trữ hàng hóa, tăng cường chỉ đạo việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lưu ý các đơn vị cần chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2019 cũng như phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

Xem thêm

Uyên Hương

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.