|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gas bán lẻ tăng mạnh, chạm mức 465.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 1/10

08:18 | 01/10/2021
Chia sẻ
Các công ty cung cấp gas đồng loạt tăng giá khoảng 3.500 đồng/kg, giá gas bán lẻ dao động 460.000-465.000 đồng/bình 12 kg. Mức giá này áp dụng từ ngày 1/10, cũng là ngày TP HCM mở cửa kinh tế.

Theo báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính, các công ty cung cấp gas đồng loạt tăng giá khoảng 42.000 đồng/bình, dao động 460.000-465.000 đồng/bình 12 kg. Mức giá này áp dụng từ ngày 1/10.

Cụ thể, công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết giá gas tăng 3.500 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương tăng 42.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá gas SP bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.500 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) thông báo các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng 42.000 đồng/bình 12 kg. Giá gas bán lẻ chạm mức 462.000 đồng/kg.

Tương tự, các thương hiệu như Pacific Petro, City Petro, ESGas… cũng tăng khoảng 42.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khoảng 460.000 - 465.000 đồng/bình 12 kg, tùy thương hiệu.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, trong tháng 10, giá gas thế giới tăng mạnh 132,5 USD/tấn so với tháng 9, lên 797,5 USD/tấn. Do đó, các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.

Việc giá gas tăng mạnh bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giá dầu thế giới tăng, biến động khí đốt ở Nga, và cuối năm, nhu cầu sử dụng gas, khí đốt để sưởi ấm trên thế giới tăng cao.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay sau nhiều lần điều chỉnh, giá gas đã tăng tổng cộng gần 150.000 đồng/bình 12 kg. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới, do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.

Theo tạp chí Petro Times, giá khí đốt ở châu Âu tăng lên trên 1.100 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch ngày 30/9 trên sàn ICE. Đây là lần thứ hai, giá khí đốt ở châu Âu vượt mức tăng kỷ lục 1.000 USD/1.000 m3.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gazprom Alexei Miller cho biết sự chậm trễ trong việc cung cấp khí đốt vào các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu và nhu cầu về khí đốt ngày càng tăng đã dẫn đến mức giá kỷ lục, còn có thể bị phá vỡ trong tương lai gần.

Hoàng Anh