Giá gạo lên đỉnh 10 năm, một cổ phiếu lương thực tăng hơn 370% sau 10 phiên
Sau hơn 5 năm đi ngang ở vùng giá 3.000 - 12.000 đồng/cp, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (VinaFood II) bất ngờ tăng mạnh khi ghi nhận 10 phiên tăng điểm liên tiếp (24/7 – 8/8), trong đó có 9 phiên tăng hết biên độ. Theo đó, đưa giá VSF lên mức đỉnh lịch sử 37.400 đồng/cp, tăng hơn 4,7 lần giá trị sau 10 phiên giao dịch.
Cùng với giá tăng, thanh khoản của VSF cũng được cải thiện khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên vừa qua đạt khoảng 168.000 đơn vị, trong khi trước đó chỉ vài trăm đơn vị đến vài chục nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi ngày.
Trong công văn giải trình mới đây, VSF cho biết “giá cổ phiếu VSF tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. Công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.”.
Không riêng VSF, cổ phiếu nhóm gạo liên tiếp ghi nhận những phiên giao dịch tích cực từ cuối tháng 7 trong bối cảnh ngành này nhận nhiều thông tin hỗ trợ. Cụ thể, Ấn Độ, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lần lượt đưa ra các quyết định về việc dừng xuất khẩu gạo.
Trước đó, việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Một số cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh như TAR, LTG, AGM,...
Cơ cấu cổ đông của VinaFood II
Theo tìm hiểu, VinaFood II tiền thân là Tổng Công ty Lúa gạo miền Nam được thành lập năm 1976 theo quyết định của Bộ Lương thực và Thực phẩm. Ngày 23/4/2018, hơn 114,8 triệu cổ phiếu VSF đầu tiên được giao dịch trên thị trường UPCoM với mức giá tham chiếu chào sàn 10.100 đồng/cp.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là thu mua, bảo quản, chế biến, bán buôn, bán lẻ, dự trữ, lưu thông lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản; Xuất khẩu, nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản; Gia công đóng gói các mặt hàng nông, thuỷ sản, phân bón, vật tư nông nghiệp…
Trong suốt những năm hoạt động, VSF là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8 - 3 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên một tỷ USD.
Theo Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, VSF có cổ đông nhà nước là Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 51,43% và cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn T&T tỷ lệ 25%.
Hoạt đông kinh doanh của VinaFood II ra sao?
Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, kết quả kinh doanh của VinaFood II đã có những chuyển biến tích cực hơn từ năm 2022 đến nay. Theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý II/2023, VSF ghi nhận doanh thu thuần 6,9 tỷ đồng, gấp gần 1,6 lần so với quý II/2022; lợi nhuận sau thuế 9,4 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2023, VSF đặt kế hoạch tổng doanh thu tổng công ty 15.325 tỷ đồng, giảm 11,5% so với thực hiện năm ngoái; và lợi nhuận trước thuế 100,58 tỷ đồng, tăng 2,1 lần. Bên cạnh đó, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm sau gạo (bún, phở, bánh tráng, bột…) cùng với ứng dụng công nghệ sạch, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường châu Âu.