Giá đường thô gần chạm đỉnh của năm 2012
Cụ thể, giá đường thô giao tháng 10/2016 chốt phiên 27/9 tăng 2,1% lên 23,02 cent/pound trên sàn ICE Mỹ - mức cao nhất kể từ ngày 25/7/2012, với số lượng hợp đồng mở giảm mạnh xuống còn 32.376 hợp đồng do sắp đến thời hạn giao hàng. Cùng thời điểm này năm 2015, giới thương nhân từng mua kỷ lục 1,2 triệu tấn đường thô trên sàn ICE Mỹ.
Ngoài ra, giá đường thô giao tháng 3/2017 cũng tăng 1,4% lên 23,44 cent/pound sau khi đã tăng 1,9% trong phiên trước đó.
Chênh lệch giá đường giao tháng 10/2016 và tháng 3/2016 theo đó thu hẹp lại còn 0,42 cent, từ 0,58% của phiên 26/9.
Giá đường trắng giao tháng 12/2016 cũng tăng 1,1% lên 605,20 USD/ tấn.
Giá đường tăng mạnh trong vài phiên gần đây chủ yếu do thị trường quá mua để tích trữ trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đặc biệt là ở Brazil.
Platts Kingsman vừa tăng dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong hai niên vụ 2015 – 2016 và 2016 – 2017. Cụ thể, thâm hụt đường toàn cầu là 5,21 triệu tấn trong niên vụ 2015 – 2016 (tăng 200.000 tấn so với dự báo trước) và 6,45 triệu tấn trong niên vụ tiếp theo (tăng 570.000 tấn so với dự báo trước).
Trước Platts Kingsman, ngân hàng Rabobank và Hiệp hội Đường quốc tế cũng từng nâng dự báo thâm hụt nguồn cung đường trong niên vụ tới lần lượt lên 7,9 triệu tấn và 7,05 triệu tấn.
Theo đó, Rabobank nâng dự báo triển vọng giá đường trong 3 tháng cuối năm 2016 lên 21,6 cent/pound trước khi giảm dần về 20 cent/pound vào quý III/2017. Ngân hàng nhận định rằng, giá đường sẽ dao động xung quanh mức giá hiện tại do giới đầu tư đánh cược kỷ lục vào đà tăng giá của mặt hàng này.
Kể từ đầu năm đến nay, đường là loại hàng hóa thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư và cũng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trên thị trường với mức tăng hơn 50%. Xét về yếu tố căn bằng cung – cầu, đường có triển vọng tăng giá trong dài hạn.