|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường thế giới tăng 30% trong năm 2016

08:07 | 20/01/2017
Chia sẻ
Giá đường thế giới tính đến cuối tháng 12/2016 tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm, bởi nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu. 
gia duong the gioi tang 30 trong nam 2016
Giá đường thế giới tính đến cuối tháng 12/2016 tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm (Nguồn: Vietbao)

Giá đường hồi phục cuối năm

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (Vinasugar), vụ sản xuất 2016 - 2017 là vụ thứ 2 liên tiếp sản xuất thiếu hụt so với nhu cầu, kích thích giá đường hồi phục. Trong đó, giá đường thô bình quân năm 2016 tăng 29% so với năm 2015 lên 19,20 cents/lb. Tương tự, giá đường trắng tăng 33% lên 498,13 USD/tấn năm.

Vinasugar cho biết, mặc dù chênh lệch giá đường trắng và đường thô trong tháng 12/2016 giảm xuống mức 95,02 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của 3 năm trước là 82,47 USD/tấn.

Trước đó vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới, giá cả 2 loại đường thô và trắng trên thế giới đều biến động mạnh, khi giảm xuống thấp nhất trong vòng 6 tháng rồi nhanh chóng phục hồi ngay trong tuần cuối của năm 2016.

Cụ thể, giá đường thô đầu tháng là 18,7 cents/lb sau đó giảm còn 17,8 cents/lb, nhưng đến cuối tháng lại lên tới 19,20 cents/lb. Kết quả là, giá trung bình tháng 12 giảm khoảng 9% so với tháng trước đó, xuống 18,49 cents/lb.

Giá đường trắng cũng diễn biến tương tự, khi đầu tháng là 512,70 USD/tấn rồi giảm còn 484,55 USD/tấn vào ngày 14/12. Tuy nhiên, giá đường trắng phục hồi lên 521,10 USD/tấn vào ngày làm việc cuối cùng của năm.

Sản xuất và xuất khẩu đường tại hầu hết các nước đều tăng trong năm 2016

Bên cạnh đó, báo cáo của Vinasugar cũng cho biết, tình hình sản xuất và xuất khẩu đường tại một số nước trong năm 2016 cũng tăng đáng kể so với năm trước.

Cụ thể, sản lượng mía đường thời điểm đầu vụ tại Brazil cao hơn vụ trước cả về mía ép, sản lượng đường và tỷ lệ thu hồi đường. Đáng chú ý là lượng mía dành cho sản xuất đường chiếm khoảng 50% tổng số mía ép. Theo đó, xuất khẩu đường các loại của Brazil tăng 28%, lên 29 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, lượng đường sản xuất tăng nhẹ so với năm trước lên gần 8,1 triệu tấn đường. Tuy nhiên, do tiêu thụ giảm 500 nghìn tấn trong 3 tháng cuối năm nên trong niên vụ 2016 - 2017 khó có thể đạt mức tăng trưởng tiêu dùng 2% (dự báo 25,5 triệu tấn), thậm chí còn thấp hơn mức 24,8 triệu tấn năm trước.

Tại trị trường Trung Quốc, Vinasugar dẫn lời Hiệp hội Đường Trung Quốc dự báo sản lượng đường tăng 15%, lên 10 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Trong vụ đường 2016 - 2017, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, mặc dù nước này đã xuất bán 398 nghìn tấn đường dự trữ ra thị trường.

Trong niên vụ 2016 - 2017, Mỹ dự báo sản lượng đường tăng khoảng 4% so vụ trước, lên 9,3 triệu tấn. Trong đó, sản lượng đường mía tăng 101 nghìn tấn lên gần 4 triệu tấn và đường củ cải tăng 252 nghìn tấn. Theo đó, Mỹ dự kiến sẽ giảm nhập khẩu.

Vinasugar còn cho biết, Ủy ban Châu Âu vừa phát hành một bản cập nhật cân đối đường trong tháng 12, theo đó, dự kiến sản xuất đường trong 2016 - 2017 lên tới 16,6 triệu tấn. Ngoài ra, giá đường xuất xưởng cũng lên tới 470,0 EUR/tấn, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Ngành mía đường của Nga trong năm qua sản xuất đạt 5,5 triệu tấn. Ngành đường Nga kỳ vọng sản lượng bội thu tới 6 triệu tấn trong vụ 2016 - 2017. Theo đó, lượng đường sẽ đủ cung cấp nội địa, thậm chí có thể xuất khẩu 500 nghìn tấn.

Cùng thời điểm, ngành mía đường Australia ước tính, sản lượng đường niên vụ 2016 - 2017 có thể tăng khoảng 4%, lên tới 5,1 triệu tấn.

Trong khi đó, tại thị trường Thái Lan, sản lượng đường tính đến cuối năm giảm mạnh 457,6 nghìn tấn so với năm trước, xuống 564.425 tấn. Theo đó, sản lượng đường có thể giảm 3% do hạn nặng nhất trong hơn 2 thập kỷ.

Hồng Vũ