|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gia đình tỷ phú Trung Quốc kiếm bộn tiền dù phải chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ

15:02 | 15/08/2022
Chia sẻ
Gia đình tỷ phú Luo, nhà sáng lập công ty sản xuất silicon Hoshine của Trung Quốc đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng hơn gấp đôi mặc dù công ty là một trong những doanh nghiệp bị Mỹ trừng phạt.

Khoảng một năm trước, Mỹ đã trừng phạt thương mại với một công ty Trung Quốc ít được biết đến ở trung tâm của chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, với cáo buộc công ty này đã chèn ép lao động ở khu vực Tân Cương. Hành động này có tác động tức thì và lâu dài, làm xấu đi mối quan hệ giữa hai quốc gia và đẩy ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ vào tình trạng hỗn loạn.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng các biện pháp trừng phạt này vẫn chưa đạt được thành công nếu xét trên khía cạnh kinh tế. Giá cổ phiếu Hoshine Silicon Industry Co đã tăng 111% kể từ khi các quy định hạn chế được công bố, qua đó giúp khối tài sản ròng của người sáng lập Luo Liguo và gia đình ông tăng hơn gấp đôi. Ngoài ra, với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ gia đình Luo, Hoshine đang mở rộng hoạt động ở Tân Cương, tiếp tục củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời.

Thành công của Hoshine đã chỉ ra giới hạn của các hành động trừng phạt từ phía Mỹ, ngay cả khi luật mới mở rộng lệnh cấm đối với các sản phẩm từ Tân Cương. Công ty Trung Quốc là nhà sản xuất silicon công nghiệp hàng đầu thế giới, một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời. Sự sụt giảm nhu cầu của Mỹ đã được bù đắp ở châu Âu, khu vực đang mong muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các sản phẩm pin năng lượng mặt trời do Hoshine sản xuất. (Ảnh: Bloomberg).

Hoshine không phải công ty duy nhất trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời có liên quan tới các cáo buộc ép bức lao động ở khu vực Tân Cương. James Cockayne, cựu giáo sư tại Đại học Nottingham, người đã công bố một nghiên cứu vào tháng trước về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt cho biết: “Các lệnh trừng phạt khiến những đơn vị nhập khẩu của Mỹ chịu thiệt hại nặng nền hơn các đơn vị đang sản xuất tại Tân Cương. Ngay cả khi Hoshine bị ảnh hưởng, triển vọng về nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm của họ ở những thị trường khác đang thúc đẩy sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4, Luo tiết lộ đã sử dụng các chính sách của Trung Quốc như một cách mở rộng cơ hội trong tương lai. “Chỉ cần tin tưởng vào các sáng kiến ​​của chính phủ. Khi chính phủ kêu gọi, chúng tôi làm, và khi chính phủ muốn kiềm chế, chúng tôi bỏ”, người sáng lập Hoshine giải thích về động thái rời bỏ ngành bất động sản và đi sâu vào lĩnh vực silicon cách đây hơn một thập kỷ.

Để biến đổi silicon có trong cát và đá tự nhiên thành phiên bản tinh khiết hơn cần rất nhiều nhiệt. Tân Cương có nguồn cung than dồi dào, nhưng lại quá xa các nhà máy điện ven biển nên không hữu ích cho các khu vực đô thị dày đặc nhất của Trung Quốc. Vì vậy, chính phủ đã thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở đó với lời hứa về nhiên liệu rẻ.

Ngày nay, các hoạt động sản xuất silicon công nghiệp của Hoshine, giống như những hoạt động khác, được hưởng lợi từ nguồn than địa phương và giá năng lượng thấp, giảm chi phí 3.700 nhân dân tệ (549 USD)/tấn so với mua điện từ lưới điện.

Bị cáo buộc lạm dụng và cưỡng bức lao động

Các công ty cũng được hưởng lợi từ những gì mà chính phủ Trung Quốc mô tả là “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” cho các dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương. Theo Bắc Kinh, những trung tâm như vậy được thành lập để dạy nghề và kỹ năng bằng tiếng Trung, đồng thời xây dựng lực lượng lao động cho các ngành công nghiệp đang phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, có nhiều người đã chỉ trích các trung tâm này. Năm 2019, một nhóm công tác của Liên Hợp Quốc cho biết ước tính có khoảng 1 triệu người “được báo cáo đã bị đưa đến các cơ sở thực tập dưới chiêu bài của các chính sách”. Sau khi báo cáo gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu, vào cuối năm 2019, Trung Quốc cho biết mọi người đã "tốt nghiệp" và các trung tâm đào tạo đã đóng cửa.

Đồng thời, Trung Quốc đã vận hành một chương trình chống đói nghèo lâu đời, bao gồm di dời người dân từ các khu nông thôn nghèo đến các khu nhà máy với công việc có thu nhập cao hơn. Đó là một chiến dịch quốc gia, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình chính trị căng thẳng khiến người lao động không có nhiều lựa chọn ngoài việc tham gia.

Một báo cáo tháng 6/2021 từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield Hallam đã gắn Hoshine vào cả hai chương trình. Các tác giả cho biết, một trong những cơ sở của công ty ở Tân Cương nằm trong cùng một khu công nghiệp với hai trung tâm đào tạo, và những công nhân ở đó có thể đã tham gia khai thác thạch anh mà Hoshine sử dụng để sản xuất silicon.

Laura Murphy, một trong những tác giả của báo cáo và là giáo sư tại Sheffield Hallam, người đã điều tra các hoạt động của Hoshine trong vùng cho biết: “Hoshine đã tự quảng cáo rất nhiều về việc họ tham gia vào các chương trình chuyển giao lao động. Nhiều công nhân xuất thân từ các vùng nông thôn đã rất do dự về việc làm việc cho Hoshine”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc Hoshine gắn với các vụ lạm dụng lao động vào tháng 6/2021. Sau đó, họ ra lệnh cho các cảng bắt giữ các chuyến hàng của bất kỳ hàng hóa nào có chứa nguyên liệu do công ty hoặc các công ty con của Hoshine sản xuất, đồng thời cân nhắc cấm vận các công ty Mỹ bán hàng hóa, phần mềm và công nghệ khác cho công ty của Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã không chỉ định đích danh những thành viên nào của gia đình Luo bị trừng phạt, cũng như không xóa tên công ty này khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.

Mặc dù Hoshine và gia đình Luo không trực tiếp trả lời yêu cầu bình luận về các lệnh trừng phạt, nhưng vào thời điểm đó, phía Hoshine đã gọi cáo buộc của Mỹ là “lời nói dối với động cơ thầm kín phía sau”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hành động của Mỹ là "dựa trên dối trá và thông tin sai lệch" và cam kết sẽ "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".

Nếu có bất kỳ công ty nào bị ảnh hưởng, thì đó phải là các nhà phát triển năng lượng mặt trời của Mỹ. Hoạt động sản xuất silicon công nghiệp của Hoshine là bước đầu tiên trong số các bước cần thiết để sản xuất tấm pin mặt trời. Hoshine không chỉ bán silicon công nghiệp của mình cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc mà còn cả ở Đức và Hàn Quốc.

Vì Hoshine là một nhà sản xuất lớn, nhiều nhà xuất khẩu thậm chí không biết sản phẩm của họ có chứa silicon từ Hoshine hay không. Họ chắc chắn không thể chứng minh rằng họ không làm vậy và Hải quan Mỹ đã bắt đầu giam giữ các bảng điều khiển từ các công ty lớn nhất trong ngành, tất cả đều có trụ sở tại Trung Quốc.

Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố, sản lượng nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời của Mỹ đã giảm mạnh. Từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời tại Mỹ đạt 4,1 tỷ USD, giảm 24% so với cùng giai đoạn một năm trước, theo dữ liệu của BloombergNEF.

Trong khi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ đang gặp khó khăn, Hoshine lại có năm hoạt động tốt nhất kể từ khi IPO vào năm 2017. Ngay cả khi bị Mỹ trừng phạt, giá silicon công nghiệp vẫn tăng tới 300% vào mùa thu năm 2021 sau khi các nhà sản xuất ở một khu vực khác của Trung Quốc buộc phải cắt giảm sản lượng để tiết kiệm điện. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc nói chung đã tăng 71% lên 35,6 tỷ USD từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022. Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan là những người mua lớn nhất, bên cạnh một số quốc gia khác là Brazil, Nhật Bản và Australia.

Giá trị vốn hóa thị trường của Hoshine đã tăng từ dưới 9 tỷ USD vào đầu tháng 6/2021 lên 41 tỷ USD vào giữa tháng 9/2021, mức cao kỷ lục. Giá silicon và định giá của công ty đã giảm kể từ thời điểm đó, nhưng giá cổ phiếu Hoshine trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải lại tăng 111% kể từ khi lệnh trừng phạt được công bố.

Diễn biến giá cổ phiếu Hoshine giai đoạn 2017 - 2022. (Ảnh: Bloomberg).

Giá trị tài sản ròng tăng lên

Con gái của Luo là Luo Yi giữ vai trò Phó chủ tịch, trong khi người con trai là Luo Yedong giữa vai trò Tổng giám đốc doanh nghiệp. Luo và các con hiện đang sở hữu 76% cổ phần của Hoshine. Tổng cộng, giá trị tài sản ròng của gia đình hiện ở mức 12,8 tỷ USD sau khi loại trừ cổ phiếu thế chấp, theo Bloomberg Billionaires Index.

Công ty đang tiếp tục phát triển ở Tân Cương. Vào tháng 12/2021, họ đã ký một thỏa thuận với chính quyền thành phố ở thủ phủ của khu vực, Urumqi, về khoản đầu tư chắp vá trị giá 35,5 tỷ nhân dân tệ nhằm mở rộng dấu chân của Hoshine trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời. Vào tháng 5, con gái và con trai của Luo đã mua khối lượng cổ phiếu với giá chiết khấu 7 tỷ nhân dân tệ, theo một hồ sơ được gửi đi, một khoản tái đầu tư được dành để bổ sung vốn lưu động và thanh khoản.

Đồng thời, Mỹ tiếp tục siết các sản phẩm được sản xuất trong khu vực. Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Uyghur có hiệu lực từ ngày 21/6, cấm nhập khẩu bất cứ thứ gì được sản xuất tại Tân Cương trừ khi các công ty chứng minh được việc không cưỡng bức lao động trong quá trình sản xuất. Các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã công bố danh sách hàng chục thực thể được ưu tiên thực thi, bao gồm Hoshine và một số khách hàng sản xuất polysilicon có nhà máy ở Tân Cương.

Tuy nhiên, thị trường tiềm năng của Hoshine đang phát triển. Nhiều quốc gia khác không tuân theo Mỹ trong việc ban hành các lệnh trừng phạt của riêng họ đối với Hoshine, đồng thời nhu cầu về các tấm pin mặt trời đang tăng vọt.

Doanh Chính