Giá dầu thô có thể giảm xuống 60 - 70 USD/thùng vì dư cung
Theo Reuters, hai nhà giao dịch hàng hóa toàn cầu Gunvor và Trafigura dự đoán giá dầu có thể dao động trong khoảng 60 đến 70 USD/thùng trong năm nay do nhu cầu chậm chạp từ Trung Quốc và tình trạng cung vượt cầu dai dẳng trên toàn thế giới.
Giá dầu thô giảm từ mức 90 USD/thùng hồi đầu năm nay xuống khoảng 70 USD/thùng do chịu áp lực nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ chủ chốt như Trung Quốc và Mỹ vẫn yếu.
Tuần trước, OPEC+ đã nhất trí hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ vào tháng 10 và 11, giúp giải toả tâm nỗi lo của thị trường về tình trạng dư cung. Tuy nhiên, các nhà giao dịch hàng hoá cảnh báo rằng điều này sẽ không kéo dài lâu.
Phát biểu tại Hội nghị Dầu mỏChâu Á - Thái Bình Dương (APPEC), ôngBen Luckock, giám đốc dầu mỏ toàn cầu tại Trafigura cho rằng giá có dầu có thể sớm rơi xuống mức 60 USD/thùng.
Ông Torbjorn Tornqvist, đồng sáng lập kiêm chủ tịch công ty giao dịch năng lượng Gunvor, cho biết giá trị hợp lý của dầu là 70 USD/thùng vì hiện nay lượng dầu được sản xuất trên toàn cầu nhiều hơn tiêu thụ. Tình trạng mất cân bằng có thể trở nên tồi tệ hơn trong vài năm tới.
"Vấn đề không nằm ở OPEC, vì họ đã làm rất tốt trong việc quản lý nguồn cung", Tornqvist nói. "Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là OPEC không kiểm soát sản lượng của các nước nằm ngoài tổ chức".
Giá dầu tương lai tăng 1 USD vào đầu phiên giao dịch thứ Hai (9/10) do lo ngại cơn bão tiến gần tới Mỹ nhưng sau đó giảm trở lại.
Nguồn cung dư thừa, nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nguồn cung dầu năm nay sẽ tăng trưởng 770.000 thùng/ngày, đưa tổng nguồn cung lên mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày.
Tốc độ tăng trưởng này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, đạt 1,8 triệu thùng/ngày, trong đó Mỹ, Canada, Guyana và Brazil là những nước dẫn đầu về mức tăng.
Ông Jim Burkhard, phó chủ tịch nghiên cứu tại S&P Global Commodity Insights, phát biểu tại hội nghị rằng nhu cầu dầu tăng trưởng chập tại Mỹ nhưng chưa ở mức suy giảm. Điều này đặt ra thách thức cho OPEC+ khi đưa ra quyết định về sản lượng.
Ông Burkhard dự đoán OPEC+ sẽ tăng nguồn cung dầu vào năm tới. Và đây cũng sẽ là lần tăng sản lượng đầu tiên kể từ năm 2022. Ngay cả khi nhóm này quyết định không làm như vậy, công suất sản xuất dầu dự phòng trên toàn cầu, bao gồm hơn 5 triệu thùng/ngày ở Trung Đông, sẽ gây áp lực lên giá.
"Chu kỳ dư thừa nguồn cung dầu vẫn tiếp diễn. Nó sẽ kết thúc, nhưng sẽ là vào năm 2026 hoặc sau đó", ông nói.
Ông Luckock cho biết nhu cầu yếu ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đang khiến thị trường lo ngại, đồng thời nói thêm rằng một số nhà đầu tư thị trường tin rằng Bắc Kinh có thể có nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Ông Luckock cho biết: "Có rất nhiều ví dụ về những gì chính quyền trung ương Trung Quốc đang làm để hỗ trợ nền kinh tế hiện nay, nhưng không có ví dụ nào trong số đó gây chấn động đủ lớn mà thị trường mong muốn".
Tuy nhiên, ông Jeff Currie, giám đốc chiến lược về năng lượng tại tập đoàn đầu tư khổng lồ Carlyle Group của Mỹ, đã cảnh báo rằng dầu dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng giá đột biến do các sự kiện địa chính trị hoặc gián đoạn nguồn cung.
"Thị trường không hề lo lắng về nguy cơ gián đoạn nguồn cung vì họ cho rằng công suất dự phòng lên tới hàng triệu thùng. Nhưng điều đó có thể thay đổi", ông Luckock trả lời Reuters.
Ông Currie cho rằng giá cả sẽ tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều đó sẽ giảm bớt một số áp lực lên các lĩnh vực thâm dụng vốn như hàng hóa.