|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu lao dốc sẽ dẫn tới việc cắt giảm sản lượng sâu hơn của OPEC+?

11:21 | 17/11/2023
Chia sẻ
Việc chồng chất quá nhiều các vị thế bán có thể khiến Arab Saudi tiếp tục cắt giảm sản lượng bổ sung 1 triệu thùng/ngày- hoặc ít nhất là một phần trong số đó - vào năm 2024.

Theo trang Oilprice, tâm lý bi quan của các nhà giao dịch dầu thô trong những tuần gần đây đã dẫn tới đà bán tháo khiến giá giảm. Thị trường đang quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu yếu. 

Trong tháng 9, tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn bởi OPEC+ tăng cường việc giảm sản lượng. Tuy nhiên, tâm lý đó nhường chỗ cho những lo ngại mới về nhu cầu suy yếu trong tháng 10 và 11.  Kết quả là giá dầu Brent và WTI đồng loạt giảm sâu, với lần giảm gần đây nhất lên tới gần 5% ở phiên ngày 16/11 xuống mức thấp nhất 4 tháng.

OPEC cùng nhà sản xuất hàng đầu của họ, Arab Saudi, khẳng định nhu cầu vẫn lớn và việc bán tháo dầu Brent từ 90 USD xuống dưới 80 USD/thùng trong những tuần qua là do lo ngại về nhu cầu yếu đang bị “thổi phồng”. 

 Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Việc chồng chất quá nhiều các vị thế bán có thể khiến Arab Saudi tiếp tục cắt giảm sản lượng bổ sung 1 triệu thùng/ngày- hoặc ít nhất là một phần trong số đó - vào năm 2024. 

Hiện tại, việc cắt giảm tự nguyện của Arab Saudi và cam kết giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày từ Nga sẽ được thực hiện cho đến cuối năm 2023. 

Nhưng với việc giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng, cả hai nhà sản xuất lớn của OPEC+ có thể cố gắng tăng giá lần nữa bằng cách gia hạn cắt giảm. 

Theo dữ liệu từ các sàn giao dịch do nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters tổng hợp, các nhà đầu tư hiện đã bán ròng 6 hợp đồng tương lai xăng dầu quan trọng nhất trong 6 tuần qua .

Ông Ole Hansen, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết, vị thế mua ròng tổng hợp - chênh lệch giữa đặt cược tăng và giảm - của dầu WTI và Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng là 312.000 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 7/11.

Vị thế mua ròng trong hai hợp đồng được giao dịch nhiều nhất hiện đã giảm 44% kể từ tháng 9. Ông Hansen cho rằng nguyên nhân đến từ tâm lý lạc quan trước thông tin thị trường được thắt chặt nguồn cung đã đạt đỉnh điểm và giờ đây nỗi lo sợ nhu cầu yếu đang lấn át.

Trong khi các nhà giao dịch tiếp tục bi quan hơn về giá dầu, OPEC và Arab Saudi cho rằng việc thị trường đi xuống đang bị phóng đại và nhu cầu vẫn đang mạnh, bao gồm cả nhu cầu cao kỷ lục ở Trung Quốc. 

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais tuần trước cho rằng nền kinh tế “vẫn đang hoạt động khá tốt” bất chấp những thách thức. 

Ông Al Ghais bày tỏ sự lạc quan về nhu cầu dầu toàn cầu chưa đầy ba tuần trước khi các bộ trưởng của các nhà sản xuất dầu trong liên minh OPEC + gặp nhau vào cuối tuần sau (25-26/11) để đưa ra quyết định chính sách sản xuất quan trọng.

Sau đó, trong tuần này, OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ, với việc nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng lên kỷ lục hàng năm mới vào năm 2023,  bác bỏ  tâm lý thị trường tiêu cực gần đây nhất là cường điệu.   

“Bất chấp tâm lý tiêu cực quá mức trên thị trường liên quan đến nhu cầu dầu của Trung Quốc và thị trường toàn cầu nói chung, dữ liệu mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và vẫn đang trên đà đạt mức cao kỷ lục mới trong trong năm nay” OPEC cho biết trong báo cáo mới đây.

Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết nhu cầu dầu tiếp tục mạnh mẽ và đổ lỗi cho các nhà đầu cơ  khiến giá dầu giảm.

Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba (14/11) cũng cho biết rằng “Nhu cầu dầu thế giới vẫn tiếp tục vượt quá mong đợi” và nâng nhẹ  dự  báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho cả năm 2023 và 2024. 

Bình luận về những biến động giá dầu gần đây, các chiến lược gia Warren Patterson và Ewa Manthey của ING cho biết: “Chúng tôi tin rằng quy mô của đợt giảm giá trong những tuần gần đây là cực kỳ lớn. Mặc dù các yếu tố cơ bản có thể không lạc quan như suy nghĩ ban đầu nhưng thị trường vẫn có những yếu tố hỗ trợ và có thể sẽ bị thâm hụt trong thời gian còn lại của năm nay.”

“Tình trạng dư cung thậm chí có thể chấm dứt vào năm tới nếu Arab Saudi tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung của họ.” 

 

H.Mĩ