|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giá cổ phiếu Vinalines gấp 4 lần sau một tháng

17:25 | 21/06/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu MVN của Vinalines đã gấp 4 lần chỉ trong một tháng gần đây (đến phiên sáng 21/6), đưa vốn hóa lên gần 86.000 tỷ đồng.

Sau một năm lình xinh đi ngang cùng thanh khoản nhỏ giọt, cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines - Mã: MVN) bất ngờ ghi nhận xu hướng tích cực trong một tháng gần đây.

Cụ thể, từ 22/5 đến phiên sáng 21/6, MVN đã tăng giá 305%, tương đương gấp 4 lần. Đà tăng chủ yếu bắt đầu từ ngày 7/6 kéo dài đến nay, trong đó bao gồm 7 phiên tăng trần (chưa kể phiên 21/6).

Tình hình giao dịch ghi nhận sôi động hơn trước, với khối lượng giao dịch bình quân phiên qua một tháng đạt hơn 31.000 cp, gấp 7 lần bình quân phiên qua một năm. Các giao dịch đều được thực hiện theo phương thức khớp lệnh.

MVN tăng trần trong phiên sáng 21/6, lên 71.600 đồng/cp. Đây đồng thời đang là đỉnh lịch sử của mã này. Vốn hóa thị trường nâng lên thành 85.962 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu MVN từ 2021 đến sáng 21/6. (Biểu đồ: TradingView).

Không chỉ MVN, cổ phiếu các công ty con của Vinalines như SGP, PHP, CDN, QNP, VOS... hay nhiều doanh nghiệp khác trong ngành vận tải biển, cảng biển trên sàn (như HAH, VSC, GMD...) đều ghi nhận xu hướng khả quan. Đà tăng ghi nhận “dốc” hơn trong khoảng một tháng gần đây.

Diễn biến "dậy sóng" của nhóm cổ phiếu vận tải biển dường như hưởng ứng việc giá cước tăng đáng kể thời gian qua. Nguyên nhân khiến cước tàu biển tăng đến từ xung đột địa chính trị đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 khiến các nhà xuất khẩu  nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn.

Trong bối cảnh đó, các công ty xuất khẩu vừa và nhỏ vốn nhạy cảm với những thay đổi về giá cước đường biển lại không thể tìm được tàu.

Về phần hoạt động của Vinalines, công ty dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 22/7. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự là 26/6. Cuộc họp lần này nhằm phê duyệt bổ sung ngành nghề kinh doanh; sửa đổi, bổ sung nội dung điều lệ và nội dung khác.

Trước đó, vào ngày 25/4, Vinalines cũng đã có thông báo thay đổi tại 2 ngành nghề kinh doanh, bao gồm bổ sung ngành chi tiết là hoạt động kiến trúc vào ngành hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan (7110); hủy bỏ ngành chi tiết là cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài tại ngành cung ứng và quản lý nguồn lao động (7830).

Kết quả kinh doanh quý I, Vinalines đạt lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 342 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Kết quả đến từ các hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng hải và vận tải tăng trưởng, lãi tài chính gấp 5 lần và lãi trong công ty liên doanh, liên kết gấp đôi cùng kỳ.

Xuân Nghĩa

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 28/6: Tiếp tục điều chỉnh
Theo dự báo của công ty chứng khoán, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.