|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su tại Tokyo và Thượng Hải giảm nhẹ trong tháng 6

16:11 | 14/07/2020
Chia sẻ
Nguyên nhân số ca nhiễm virus corona tại Mỹ và nhiều quốc gia tăng, trong khi Quĩ Tiền tệ Quốc tế hạ triển vọng kinh tế toàn cầu. Ngành sản xuất lốp ô tô vẫn trong tình trạng khó khăn, trong khi nguồn cung cao su tại các quốc gia Đông Nam Á đang dồi dào.

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương cho biết trong tháng 6/2020, giá cao su tại Tokyo và Thượng Hải giảm, trong khi giá tại Thái Lan tăng so với cuối tháng 5/2020. 

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 30/6 giá cao su giao kì hạn tháng 7/2020 giao dịch ở mức 142,2 Yên/kg (tương đương 1,32 USD/kg), giảm 0,5% so với cuối tháng 5/2020 và giảm 39,4% so với cùng kì năm 2019.

cao su - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 7/2020 tại sàn Tocom trong tháng 6/2020 (ĐVT: Yên/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/Tocom.or.jp.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 30/6, giá cao su RSS3 giao hạn tháng 7/2020 giao dịch ở mức 10.085 NDT/tấn (tương đương 1,42 USD/kg), giảm 0,2% so với cuối tháng 5/2020 và giảm 10,3% so với cùng năm 2019.

Tại Thái Lan, ngày 30/6/2020, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 44,21 Baht/kg (tương đương 1,43 USD/kg), tăng 0,7% so với cuối tháng 5/2020, nhưng giảm 28,3% so với cùng năm 2019.

Giá cao su tại Tokyo và Thượng Hải giảm do số ca nhiễm virus corona tại Mỹ và nhiều quốc gia tăng, trong khi Quĩ Tiền tệ Quốc tế hạ triển vọng kinh tế toàn cầu. Ngành sản xuất lốp ô tô vẫn trong tình trạng khó khăn, trong khi nguồn cung cao su tại các quốc gia Đông Nam Á đang dồi dào.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA), sản xuất cao su nội địa của Ấn Độ chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước. ATMA cho rằng giá cao su nội địa tại Ấn Độ luôn cao hơn giá thế giới 25% tại mọi thời điểm. Việc nhập khẩu sẽ giúp hạ giá thành cho nhiều ngành sản xuất trong nước. 

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (USDC) đã mở cuộc điều tra về nhập khẩu lốp xe ô tô từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam để xác định xem liệu lốp xe có được bán với giá thấp hơn giá hợp lí hay không, động thái này tiếp tục cản trở sự phục hồi của hoạt động chế biến cao su. 

Việc mở cuộc điều tra này nhằm đáp lại kiến nghị của Liên hiệp Công nhân các ngành Thép, Giấy, Cao su, Công nghiệp chế tạo, Năng lượng và Dịch vụ Bắc Mỹ (USW) đệ trình lên USDC hồi tháng 5/2020. 

Theo USW, dù nhu cầu đối với các phương tiện vận tải đang tăng lên, song các hãng sản xuất lốp cao su nội địa của Mỹ vẫn đang phải chống chọi với việc mất thị phần, lợi nhuận giảm và công nhân mất việc hàng loạt. 

Trước đó, năm 2015, USW cũng đã kiện Trung Quốc vì bán phá giá các sản phẩm lốp xe vào thị trường Mỹ và thắng kiện, khiến kim ngạch nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc giảm mạnh, giúp cho ngành sản xuất nội địa Mỹ được bảo vệ. 

Theo USDC, trong năm 2019, kim ngạch nhập khẩu lốp xe của Mỹ đạt khoảng 4 tỉ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan chiếm tới gần 2 tỉ USD và khoảng 1,2 tỉ USD từ Hàn Quốc. Lượng lốp xe nhập khẩu từ 4 quốc gia châu Á trên đã tăng 20% so với năm 2017, lên 85,3 triệu lốp.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ mở rộng điều tra chống bán phá giá đối với loại cao su tổng hợp EPDM nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và EU, sau khi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất loại sản phẩm này kiến nghị cơ quan quản lí thương mại vào cuộc nhằm đảm bảo công bằng thương mại cho các doanh nghiệp nội địa. 

Cao su EPDM là một sản phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất dây cáp và lốp xe hơi. Cuộc điều tra này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 6/2020 tới ngày 19/12/2020.

Như Huỳnh