Giá các loại hàng hóa đồng loạt tăng mạnh trong tháng 11
Nhóm hàng năng lượng
Tính riêng tháng 11, giá dầu Brent tăng gần 4,5% so với tháng trước do OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, giá dầu hiện vẫn đang chịu áp lực giảm do nguồn cung tại Nga và OPEC tiếp tục tăng mạnh lên kỷ lục trong tháng 11. Theo số liệu Reuters thu thập, sản lượng dầu thô của OPEC tăng lên 34,19 triệu thùng/ngày trong tháng 11, từ mức 33,82 triệu thùng của tháng trước đó. Nói cách khác, OPEC đang bơm ra thị trường toàn cầu cao hơn 1,69 triệu thùng dầu/ngày so với mục tiêu 32,50 triệu thùng/ngày mà OPEC đã đặt ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên cũng tăng mạnh gần 11% trước những lo ngại về khả năng thiếu hụt khí tự nhiên vào năm tới.
Trước đó, tại hội thảo của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Saleh al-Sada cho biết, nhu cầu khí tự nhiên năm 2017 sẽ tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn so với những năm gần đây.
Ngoài ra, giá than cốc cũng tăng hơn 36% so với tháng trước trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện tái cơ cấu ngành thép và chỉ thị chính sách của Bắc Kinh về việc hạn chế sản lượng than trong nước đã kết hợp khiến giá than cốc tăng mạnh.
Nhóm phi năng lượng
Trong tháng 11, giá vàng giảm hơn 8,1% trong khi nhóm các kim loại cơ bản như sắt, thép và đồng lại tăng giá mạnh. Giá vàng chịu áp lực khi có những tín hiệu lạc quan về kinh tế Mỹ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng hỗ trợ đồng USD và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 này.
Một yếu tố khác cũng đang gây áp lực giảm cho giá vàng là, việc nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong thời gian tới có thể giảm mạnh, do nguồn tiền mặt trong dân hạn chế và Chính phủ nước này quyết định rút toàn bộ số tiền mệnh giá lớn đang được lưu hành.
Các mặt hàng nông nghiệp cũng đồng loạt tăng giá, trong đó giá cao su tự nhiên phá vỡ mức đỉnh của năm nay và tăng gần 13% trong tháng 11.
Ngược lại, giá đường giảm hơn 8% sau khi lên đỉnh ở mức 23,8 USD/pound vào đầu tháng 10 nhờ nguồn cung ở Brazil bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại.
Hiện tại, người nông dân Brazil đang nhanh chóng hoàn tất công tác thu hoạch của niên vụ 2015 – 2016 và theo số liệu mới nhất, sản lượng đường đã gần đạt 35 triệu tấn. Có những đồn đoán cho rằng, Brazil sẽ tăng diện tích trồng mía và tăng sử dụng mía để sản xuất đường trong niên vụ tới bất chấp giá giảm nên sản lượng đường thô có thể sẽ tăng mạnh hơn.
Ngoài ra, giá phân Ure tại Trung Quốc cũng tăng hơn 11,5% và có thể ảnh hưởng tới đầu vào của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón.