Giá cá tra tiến dần đến kỷ lục cũ: Nên mừng hay nên lo?
Giá cá tra dần chạm mốc kỷ lục cũ
Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hiện giá cá tra nguyên liệu size (cỡ) dưới 1 kg giá đã lên tới 30.000 đồng/kg, tăng tới 18% so với cuối năm 2021.
Đồng thời, mức giá này cũng cận với ngưỡng kỷ lục thiết lập hồi năm 2018 là 33.000 đồng/kg.
Vị này lý giải nguyên nhân của đợt tăng giá mạnh này là nguồn cung thiếu hụt khi lượng cá nuôi tại các hộ không nhiều sau khi chịu tác động bởi dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng năm 2021. Nhiều hộ dân không thể thả giống cho vụ thu hoạch năm nay.
Trong năm 2021, diện tích treo ao vẫn chủ yếu tập trung vào các cơ sở nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước; ao bị sạt lở nặng không thể tiếp tục sản xuất.
Từ tháng 7 - 9/2021 khi miền Tây rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, ngành cá tra bị ảnh hưởng khá nặng nề. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và đâu dám thả nuôi thêm vì rủi ro giá cả và rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến vẫn có khả năng duy trì và thả giống theo đúng kế hoạch nhờ thế mạnh về quy mô nguồn lực.
Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung, giá thức ăn liên lục tăng cao, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn con giống đạt chất lượng ngày càng khan hiếm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
"Dự kiến năm nay sản lượng cá tra có thể thiếu hụt 20%", ông Hòe nhận định.
Trước đó, hồi cuối năm, VASEP cũng từng cảnh báo nguy cơ thiếu cá nguyên liệu trong quý đầu năm nay.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá cá tra tăng mạnh đến từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều đơn hàng mới năm 2022 với giá tiêu thụ tốt hơn. Điều này đã tăng cường mua thêm từ các hộ nuôi liên kết để thêm sản lượng cung ứng nhu cầu thế giới đang có xu thế tốt cho cá tra philê Việt Nam.
Giá cá nguyên liệu và giá cá giống hiện tại đang có xu hướng tăng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân Hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng giá cá đầu vào đang phản ánh lại nhu cầu thu mua từ nhà máy khả quan khi đơn hàng xuất khẩu tốt trong khi nguồn cung chưa khôi phục kịp sau thời gian giãn cách.
Kết quả kinh doanh tháng 1 của CTCP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp top đầu trong xuất khẩu cá tra Việt Nam, cũng một phần phản ánh điều này.
Theo đó, hầu hết các quốc gia nhập khẩu sản phẩm của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng trên 20% sp với cùng kỳ năm ngoái, duy nhất chỉ có thị trường Trung Quốc đi xuống 36% và chỉ chiếm 3% trong tổng doanh thu.
Nỗi lo không thể mua cá ngoài
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch VASEP nhận định thị trường cá tra ngay từ đầu năm đã đón nhận những tín hiệu tích cực
Tuy nhiên, theo ông Lực mức tăng đột biến này cũng có thể là tín hiệu vừa mừng vừa lo.
"Mừng vì giá cá nguyên liệu tăng so với mức 24.000 đồng/kg trước tết, sắp tới giá xuất khẩu cũng sẽ tăng lên, nhưng lo là vì mức tăng đột ngột quá khiến nhiều doanh nghiệp không thể mua cá ngoài", Chủ tịch Sao Ta cho biết.
Từ tháng 10/2021 khi trở lại trạng thái bình thường mới, tổng thể ngành cá mới tái khởi động cho chuỗi giá trị cá tra. Với lý thuyết này, có thể đến giữa tháng 6/2022 sản lượng cá mới hồi phục tốt.
"Với tình hình này, các doanh nghiệp cá tra cũng nên tính toán tới việc cân đối hoặc đẩy lượng nuôi cá tra để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng hiệu quả hoạt động, bù đắp năm qua đầy thách thức", ông Lực nói.
BSC cho rằng mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Mức tồn kho thấp kỳ vọng làm tăng giá bán khi nhu cầu tiêu thụ ngày khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.
"Chắc chắn năm 2022 là năm đầy thú vị cho ngành cá tra Việt Nam. Khủng hoảng từ dịch bệnh năm 2021 sẽ khiến phân hóa không nhỏ các doanh nghiệp chế biến, bản lĩnh nổi trội một số doanh nhân ngành cá sẽ thể hiện rõ hơn qua khó khăn này", ông Lực nhận định.