|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cá tra dao động 21.000 - 22.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ

14:32 | 04/11/2021
Chia sẻ
VASEP cho biết hiện giá cá tra nguyên liệu đang dao động 21.000 - 22.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020 song vẫn chưa chạm điểm hòa vốn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường đều tăng trưởng tốt song các nhà máy vẫn loay hoay chống dịch, công suất chưa phục hồi khiến giá trị xuất khẩu cá tra giảm mạnh, cả người nuôi và doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tính tới hết tháng 9, diện tích thả nuôi cá tra của cả nước đạt 6.828 ha, diện tích thu hoạch đạt đạt 3.086, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch ước đạt 987 nghìn tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 7, 8 giảm lần lượt 20% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái vì cách tỉnh siết chặt giãn cách xã hội.

Giá cá tra dao động 21.000 - 22.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nhưng nhà máy chế biến cá tra chưa phục hồi 100% công suất. (Ảnh: VASEP)

Sản lượng thu hoạch giảm mạnh, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu khởi sắc song vẫn chưa chạm điểm hòa vốn.

Tại thủ phủ Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu 21.000 – 22.000 đồng/kg song chi phí sản xuất lên tới 22.355 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ 355 – 1.855 đồng/kg.

Tương tự, ở vùng nuôi An Giang, giá cá tra thương phẩm loại 1 trong quý III duy trì ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 4.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn giảm 500 đồng/kg so với thời điểm trước khi giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, sản xuất cá giống cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều hộ giảm tới 50% công suất do thời tiết bất lợi, cá thương phẩm cũng tiêu thụ chậm, giá giảm trong thời gian gian dài. Hiện, giá cá giống loại 30 - 35 con/kg dao động mức 19.000 - 22.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là các nhà máy chế biến giảm công suất, công ty chủ yếu sử dụng vùng nguyên liệu sẵn có, hạn chế thu mua của người dân khiến tồn đọng lượng lớn cá tra quá lứa.

Chia sẻ với Undercurrent News, bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Siam Canadian tại Việt Nam cho biết size cá 0,8 – 1 kg đang rất ít và nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu cho đến quý II/2022 bởi mùa thả nuôi chính đã qua và cho vào lứa mới cũng không kịp thời gian thu hoạch.

9 tháng đầu năm, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu ổn định ở mức 2,25 - 2,65 USD/kg, tăng 0,2 - 0,3 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, giá cá tra khó có thể tăng như kỳ vọng. Bởi các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu, tức là đơn hàng xuất khẩu sẽ ít hơn mọi năm. Do đó, chỉ có thị trường Mỹ mới có thể thúc đẩy giá cá tra xuất khẩu tăng.

"Theo quan sát của chúng tôi, giá cá tra tại các trang trại đang tăng. Tuy nhiên, chúng có thể giảm mạnh nếu cá tra quá lứa. Hiện giá cá tra xuất khẩu không cao. Vì vậy, giá bán tại các trang trại khó có thể tiếp tục tăng", nhà phân tích cho biết.

Hoàng Anh