Giá cà phê tại Gia Lai lại chạm mức kỷ lục
Cụ thể mở đầu phiên 29/9, giá cà phê nhân xô trung bình tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên không đổi so với phiên hôm qua. Duy nhất tại Gia Lai, giá cà phê tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên kỷ lục 42.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá FOB cà phê tại cảng TP Hồ Chí Minh vẫn tăng 6 USD lên 1.911 USD/tấn với tỷ giá USD/VND duy trì ở 22.270.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê có phần hụt hơi sau hai phiên tăng giá liên tiếp. Theo đó, giá cà phê robusta tại London chốt phiên 28/9 chỉ tăng nhẹ 1 – 2 USD/tấn so với phiên trước đó. Ngược lại, giá cà phê arabica các kỳ hạn trên sàn ICE Mỹ và sàn BMF Brazil lại đồng loạt giảm khoảng 0,3%.
Trên thực tế, thị trường cà phê robusta trong nước và thế giới đang có triển vọng tăng giá rất lớn khi cả Việt Nam và Brazil đều ước giảm sản lượng cà phê niên vụ 2016 – 2017 vì hạn hán kéo dài.
Mới đây, cơ quan quản lý nguồn cung cà phê Brazil – Conab phải hạ ước tính sản lượng cà phê robusta vụ 2016 còn 8,35 triệu bao do điều kiện thời tiết không thuận lợi ở bang Espirito Santo. Conab cho biết, lượng mưa ít và phân bố không đồng đều trong 2 năm liên tiếp ở Espirito Santo đã ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa và thụ phấn của hoa cà phê. Trong khi đó, chỉ 70% diện tích trồng cà phê ở bang này có đủ nước tưới tiêu.
Chuyên gia phân tích Abah Ofon tại Agrimoney cũng khẳng định, thị trường cà phê, đặc biệt là loại robusta sẽ rơi vào thâm hụt trầm trọng trong niên vụ tới.
Ngược lại, các vựa trồng cà phê arabica tại Brazil hứa hẹn cho sản lượng tốt vì thời tiết thuận lợi.
Sự khác biệt về triển vọng nguồn cung là lý do khiến chênh lệch giá cà phê arabica và robusta ngày càng thu hẹp, dù hạt cà phê arabica có chất lượng tốt hơn và được ưa chuộng hơn. Trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt và chênh lệch giá thu hẹp, các hãng sản xuất rất có thể sẽ thay thế hạt robusta bằng hạt arabica trong việc sản xuất cà phê hòa tan và tạo hương vị. Khi đó, hoặc doanh nghiệp cà phê sẽ phải chịu lỗ hoặc giá đồ uống cà phê sẽ tăng lên.