Giá cà phê robusta tăng mạnh nhất kể từ năm 2010
Giá cà phê kỳ hạn trong phiên giao dịch hôm thứ Hai (21/5) tăng mạnh. Trong đó giá cà phê robusta ở Sàn Giao dịch London tăng mạnh nhất trong ngày kể từ năm 2010 do mối lo ngại về nguồn cung từ nước trồng chủ chốt Việt Nam gia tăng, theo Bloomberg.
Giá cà phê robusta tăng tới 7%, trong khi cà phê arabica tăng 6%. Giá phê robusta, nguyên liệu làm cà phê hòa tan, đã tăng mạnh trong năm nay do hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất ở Việt Nam, quốc gia có sản lượng lớn nhất thế giới. Mưa đã giúp cải thiện bức tranh nguồn cung, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa.
Cũng hỗ trợ giá là nhu cầu cao đối với hạt cà phê robusta. Ông Andrea Illy, chủ tịch hãng rang cà phê Ý Illycaffe SpA, cho biết thông thường, giá cà phê robusta tăng sẽ khuyến khích sự chuyển đổi sang sử dụng nhiều cà phê arabica hơn, nhưng điều đó không xảy ra vào thời điểm này.
“Đó là một động lực khá độc đáo trên thị trường. Đối với một số loại đồ uống pha chế nhất định, như cà phê hòa tan, cà phê robusta quan trọng hơn”, ông nói.
Ông Illy cho rằng biến đổi khí hậu đã khiến nguồn cung cà phê hạn chế hơn, khiến lượng tồn kho hạt cà phê không ổn định và giá cơ bản cao hơn.
Nhà phân tích Guilherme Morya thuộc ngân hàng Rabobank cho biết xuất khẩu cả cà phê robusta và arabica từ Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới – đều mạnh. Tuy nhiên, ông cho biết, những bất ổn về nguồn cung cà phê robusta của Việt Nam đã thu hút các quỹ phòng hộ tham gia vào thị trường và đẩy giá cà phê quốc tế tăng cao.
Trong khi đó, vụ thu hoạch ở Indonesia dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 5 hoặc tháng 6, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước.
Thời tiết tốt hơn dự kiến sẽ hỗ trợ sự phục hồi sản lượng trong mùa tới ở Indonesia, nước sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới, chủ yếu trồng giống cà phê robusta. Hiệp hội Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia cho biết hôm sản lượng được dự đoán sẽ tăng 14% lên khoảng 10 triệu bao vào năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) nhận định hiện áp lực giảm giá trên thị trường cà phê đến từ thanh lý vị thế mua của những nguồn quỹ đầu cơ. Tuy nhiên, không loại trừ sẽ có những đợt phục hồi ngắn khi những nguồn quỹ này tạm ngừng thanh lý.