Giá cà phê robusta dứt chuỗi giảm 3 phiên
Cụ thể tại Tây Nguyên, giá thu mua cà phê trung bình đồng loạt tăng 400 đồng/kg sau đợt giảm 1.600 đồng/kg trong 3 phiên trước đó. Với phiên phục hồi này, giá cà phê Tây Nguyên hiện cao nhất là 44.200 đồng/kg tại Đắk Nông và thấp nhất là 43.700 đồng ở Lâm Đồng.
Tại cảng TP Hồ Chí Minh, giá FOB cà phê cũng lấy lại ngưỡng 2.000 USD/tấn khi tăng 27 USD lên 2.003 USD/tấn trong sáng nay.
Nguồn: giacaphe.com |
Cà phê Tây Nguyên có thể lấy lại ngưỡng giá 44.000 đồng/kg chủ yếu nhờ lực đẩy từ phiên phục hồi của robusta trong phiên 23/12. Theo đó, giá robusta các kỳ hạn chốt phiên hôm qua đồng loạt tăng 1% trên sàn ICE châu Âu. Đây cũng là phiên tăng giá đầu tiên của robusta kể từ ngày 20/12.
Ngược lại, giá arabica tiếp tục lao dốc với mức giảm trung bình khoảng 2% trong phiên hôm qua. Trong đó, giá arabica giao tháng 3/2017 giảm mạnh nhất 2,12%về 136,15 US cent/pound. Trong phiên 22/12, giá arabica các kỳ hạn đã lao dốc khoảng 3,7% trên sàn ICE Mỹ.
Nguồn: giacaphe.com |
Giá cà phê arabica và robusta diễn biến trái chiều sau khi Conab – cơ quan quản lý nguồn cung lương thực của Brazil – cho biết, sản lượng cà phê năm 2016 của Brazil đạt 51,37 triệu bao 60kg – mức kỷ lục kể từ năm 2014. Con số này tương đương mức tăng 18,8% so với sản lượng của niên vụ trước (43,24 triệu bao).
Trong đó, sản lượng arabica tăng 35,4% so với vụ thu hoạch trước, lên 43,38 triệu bao. Tuy nhiên, sản lượng robusta lại giảm 28,6% so với kỳ trước, xuống còn 7,89 triệu bao.
Conab cho biết, mặc dù tổng diện tích trồng cà phê của Brazil giảm 1,1% nhưng năng suất cà phê năm 2016 lại tăng 17,1% so với năm 2015. Trong đó, các vùng trồng arabica bội thu nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Tương tự tại Ấn Độ - nước sản xuất cà phê lớn thứ 6 thế giới, sản lượng cà phê của niên vụ hiện tại 2016 – 2017 (bắt đầu từ tháng 10) ước giảm 9% so với vụ trước, xuống còn 3,16 nghìn tấn do không có đủ mưa tại các vựa trồng cà phê chính, Ủy ban Cà phê Quốc gia Ấn Độ cho biết.
Số liệu của Conab và Ủy ban Cà phê Quốc gia Ấn Độ càng chứng tỏ thị trường cà phê thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đặc biệt là loại robusta.