|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 8/1: Hai sàn cùng tăng, robusta trở lại mốc trên 5.000 USD/tấn

06:04 | 08/01/2025
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (8/1) tăng trên cả hai sàn giao dịch do nguồn cung thắt chặt, trong đó robusta tăng lên 5.019 USD/tấn và arabica đạt 320,5 US cent/pound. Tương tự, giá cà phê nội địa Việt Nam cũng tăng ngày thứ ba liên tiếp lên hơn 121.000 đồng/kg.

 

Cập nhật giá cà phê trong nước

 

Khảo sát cho thấy, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng 200 – 500 đồng/kg, lên mức 120.500 – 121.500 đồng/kg.

Theo đó, thương lái tại tỉnh Đắk Nông thu mua cà phê với giá cao nhất là 121.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng tăng 300 đồng/kg và được giao dịch ở mức 121.300 đồng/kg.

Ngoài ra, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai đang được thu mua ở mốc 121.200 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.

Tại Lâm Đồng, giá cà phê được giao dịch ở mức 120.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

121.300

+300

Lâm Đồng

120.500

+200

Gia Lai

121.200

+400

Đắk Nông

121.500

+500

Tỷ giá USD/VND

25.156

-22

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank 

 

 

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch kết thúc vào sáng ngày 8/1, giá cà phê đồng loạt tăng trên cả hai sàn giao dịch London và New York.

Tại sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 tiếp tục tăng 0,7% (35 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 5.019 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 tăng 0,61% (30 USD/tấn), đạt 4.930 USD/tấn.

Qua đó đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của cà phê robusta trên sàn London.

Giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 8/1. (Nguồn: giacaphe.com) 

Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 0,6% (1,9 US cent/pound), lên 320,5 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 0,57% (1,8 US cent/pound) và chốt ở mốc 317,3 US cent/pound.

Giá cà phê arabica trên sàn New York trong phiên giao dịch ngày 8/1. (Nguồn: giacaphe.com) 

Đà tăng của thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi lượng mưa thấp hơn mức trung bình tại khu vực sản xuất cà phê arabica trọng điểm của Brazil. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng Real đã hạn chế các hoạt động bán ra tại nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này.

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,86 triệu bao trong tháng 11/2024, tăng so với 10,6 triệu bao của cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế trong hai tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025 (tháng 10/2024 đến tháng 11/2024), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 21,85 triệu bao, tăng 7,8% so với mức 20,27 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2023-2024.

Tuy nhiên, ICO cho biết thời gian vận chuyển kéo dài đến các điểm đến ở châu Âu tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, cà phê mất nhiều thời gian vận chuyển hơn do giao thông ở Kênh đào Suez vẫn còn rất hạn chế.

"Hệ quả là việc vận chuyển cà phê giữa các quốc gia sản xuất ở châu Á đến các thị trường dùng ở châu Âu đã trở nên chậm hơn và đắt đỏ hơn," báo cáo của ICO nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu 1,34 triệu tấn cà phê các loại trong năm 2024, giảm 17,2% so với năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 126.000 tấn, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ Brazil cũng báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê xanh của nước này trong tháng 12 đã giảm 17,9% so với cùng tháng năm trước, đạt tổng cộng 3,365 triệu bao.

Còn tại Ấn Độ, giá cả cao hơn trên thị trường quốc tế đang đẩy giá trị xuất khẩu cà phê của Ấn Độ lên mức kỷ lục mới.

Theo dữ liệu được công bố vào tuần trước bởi Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), doanh thu xuất khẩu cà phê của Ấn Độ đạt tổng cộng 1,15 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm tài khóa 2024-2025 (tháng 4 đến tháng 11), tăng 29% so với cùng kỳ năm tài khóa trước.

Con số này gần bằng tổng doanh thu cả năm tài khóa 2023-2024 là 1,28 tỷ USD, vốn đã tăng 12% so với năm 2022-2023.

Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ bao gồm Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Liên bang Nga. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang gặp khó khăn do các vấn đề khí hậu, đặc biệt là hạn hán, khiến sản lượng giảm gần một nửa ở một số khu vực.

Ngoài vấn đề về thời tiết, ngành công nghiệp cà phê Ấn Độ cũng đang đối mặt với các thách thức địa chính trị và hậu cần toàn cầu.

Hoàng Hiệp

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.