Giá cà phê hôm nay 18/5: Trong nước giảm sâu hơn 3.000 đồng/kg trong tuần qua
Cập nhật giá cà phê trong nước
Kết thúc tuần qua, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 124.500 – 125.200 đồng/kg - mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua, giảm mạnh 3.100 – 3.500 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là tuần giảm giá thứ ba liên tiếp của thị trường trong nước.
Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông giảm 3.100 đồng/kg so với tuần trước, xuống còn 125.200 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, giá cà phê giảm lần lượt 3.200 đồng/kg và 3.100 đồng/kg, cùng neo ở mốc 125.000 đồng/kg.
Lâm Đồng là địa phương ghi nhận mức giảm mạnh nhất tuần qua, giảm tới 3.500 đồng/kg, xuống còn 124.500 đồng/kg.
Thị trường |
Trung bình |
Thay đổi so với tuần trước |
Đắk Lắk |
125.000 |
-3.200 |
Lâm Đồng |
124.500 |
-3.500 |
Gia Lai |
125.000 |
-3.100 |
Đắk Nông |
125.200 |
-3.100 |
Tỷ giá USD/VND |
25.720 |
-30 |
Đơn vị tính: VNĐ/kg
Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

Cập nhật giá cà phê thế giới
Trên Sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 7/2025 đóng cửa tuần qua ở mức 4.865 USD/tấn, giảm mạnh 6,9% (361 USD/tấn) so với tuần trước; hợp đồng giao tháng 9/2025 giảm 6,2% (321 USD/tấn), xuống chỉ còn 4.860 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê arabica giao tháng 7/2025 trên Sàn New York giảm 5,7% (22 US cent/pound) so với tuần trước, xuống còn 365,65 US cent/pound; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2025 giảm 5,2% (19,8 US cent/pound), đạt 362,5 US cent/pound.
Các thương nhân cho biết giá robusta đang chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, khi cà phê robusta đang được thu hoạch tại Indonesia và Brazil. Bên cạnh đó, các dự báo gần đây cho thấy sản lượng cà phê của Brazil sẽ cao hơn ước tính ban đầu do điều thiện thời tiết thuận lợi.
Lượng tồn kho cà phê cũng tăng lên và gây gây áp lực lên giá cả. Tính đến ngày 16/5, lượng tồn kho cà phê robusta được ICE giám sát đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng rưỡi, đạt 4.890 lô. Ngoài ra, lượng tồn kho cà phê arabica được ICE giám sát cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, đạt 851.169 bao.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Ngân hàng Rabobank, trong tháng 4, Brazil xuất khẩu 3,1 triệu bao cà phê (loại 60kg/bao), giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tổng lượng xuất khẩu đạt 13,8 triệu bao, giảm 16% so với cùng kỳ.
Đúng như các dự báo trước đó, sự sụt giảm này là do giai đoạn trái vụ và mức tồn kho thấp kỷ lục từ các vụ mùa thu hoạch kém trước đó và xuất khẩu đạt đỉnh vào năm 2024. Niên vụ 2024-2025 (từ tháng 7 đến tháng 6) dự kiến sẽ kết thúc với sản lượng từ 45 đến 46 triệu bao.
Giá cà phê arabica tại Brazil đã tăng 4% trong tháng 5 so với tháng trước, phục hồi sau đợt giảm trong tháng 4. Ngược lại, giá cà phê conilon robusta giảm 2%, do kỳ vọng về một vụ mùa kỷ lục trong khi sản lượng arabica được dự báo giảm.
RaboResearch ước tính sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2025-2026 đạt 62,8 triệu bao, giảm 6,4% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng arabica dự kiến giảm 13,6% xuống còn 38,1 triệu bao; trong khi conilon robusta đạt kỷ lục mới với 24,7 triệu bao, tăng 7,3%.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 9/2024, giá conilon robusta tại Brazil cao hơn arabica khoảng 25 Real/bao (60kg). Tuy nhiên hiện nay, arabica lại đang cao hơn conilon robusta khoảng 900 Real/bao.
Sự chênh lệch giá này là động lực lớn để các nhà rang xay nội địa Brazil quay lại sử dụng nhiều robusta conilon hơn trong các sản phẩm pha trộn. Mặc dù giá cà phê bán lẻ tăng mạnh, nhưng theo các nguồn tin bán lẻ, doanh số cà phê tại siêu thị vẫn tăng từ 3% đến 4% trong quý I/2025.
Mưa trong tháng 4 đã hỗ trợ giai đoạn phát triển hạt cuối cùng tại Brazil, đặc biệt là đối với arabica. Hoạt động thu hoạch conilon robusta đã bắt đầu từ tháng 4 và đang gia tăng nhanh chóng, trong khi thu hoạch arabica đã khởi động và sẽ tăng tốc trong vài tuần tới.
Thị trường cà phê Brazil bước vào niên vụ 2025-2026 với nguồn cung eo hẹp, tồn kho thấp và nhu cầu vẫn ổn định.