|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gay cấn cuộc đua tăng vốn: Lần đầu có CTCK sắp vượt mốc 10.000 tỷ, ngang ngửa nhiều ngân hàng

08:49 | 29/04/2021
Chia sẻ
Đại hội cổ đông nhiều công ty chứng khoán trong nước thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng như VNDirect, HSC, Bản Việt. Cuộc đua tăng vốn thêm chú ý khi SSI vừa công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng. Trái với xu hướng của các CTCK nội, nhóm ngoại dường như đã giảm nhiệt sau khi liên tục tăng vốn những năm trước đó.

Nhóm CTCK nội lấn lướt trên làn đua tăng vốn

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến những phiên giao dịch tỷ USD trở nên quá đỗi quen thuộc với nhà đầu tư. Nhu cầu vốn giao dịch tăng cao đẩy tình trạng margin tại một số công ty chứng khoán rơi vào tình trạng "căng cứng". Để đáp ứng, các CTCK đang chạy đua huy động vốn thông qua tăng vốn điều lệ hoặc vay vốn tín dụng từ các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Tại mùa đại hội năm nay, cổ đông loạt CTCK thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ như HSC, VNDirect, Bản Việt, MBS. Theo đó, VNDirect (Mã: VND) sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cp được mua thêm 1 cp mới). Còn Chứng khoán HSC (Mã: HCM) phát hành cổ phiếu cho cổ đông hữu hữu để tăng vốn theo tỷ lệ 2:1.

Nếu thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán HSC (Mã: HCM) và VNDirect (Mã: VND) lần lượt là 4.584 tỷ đồng và 4.400 tỷ đồng, vượt quy mô của Chứng khoán VPS, KIS Việt Nam. Các công ty sẽ sử dụng vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó có việc cho vay margin.

Mùa đại hội cổ đông đã đi phần lớn thời gian, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) gây chú ý khi vừa công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng theo tài liệu họp.

Với phương án tăng vốn như vậy, đơn vị này là công ty duy nhất trên sàn có vốn điều lệ vượt 10.000 tỷ đồng. Thậm chí quy mô vốn tương đương một số ngân hàng như TPBank, LienVietPostBank, VIB, OCB, bỏ xa nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ.

Gay cấn cuộc đua tăng vốn: Lần đầu có CTCK sắp vượt mốc 10.000 tỷ, ngang ngửa nhiều ngân hàng - Ảnh 1.

Vốn điều lệ tại các công ty chứng khoán. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Để tăng vốn, Chứng khoán SSI sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỉ lệ 6:2) (219,1 triệu cp), chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần (tỉ lệ 6:1) (109,6 triệu cp), chào bán riêng lẻ (104 triệu cp) và phát hành ESOP (10 triệu cp). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 hoặc thời hạn khác theo quyết định của Hội đồng Quản trị.

Về mục đích sử dụng, Chứng khoán SSI sẽ dùng số tiền từ đợt tăng vốn để bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay ký quỹ.

Quan sát tại các CTCK lớn trong ba năm gần đây (2018 – 2020), chỉ một số đơn vị tăng trưởng về vốn điều lệ như SSI, Mirae Asset (Việt Nam), HSC, KIS (Việt Nam), Sài Gòn – Hà Nội. Số khác không thay đổi về quy mô vốn và hệ quả của "nút thắt cổ chai" này chính là tình trạng căng cứng margin hiện nay.

Sắp tới, một số CTCK khác sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông sắp tới như Agriseco, Chứng khoán VIX (Mã: VIX), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS). Cuộc đua tăng vốn có còn thông tin bất ngờ gì vẫn đang bỏ ngỏ.

Bối cảnh hiện tại, nếu như nhóm CTCK tư nhân trong nước "sốt sắng" trong cuộc đua tăng vốn để giải tỏa "cơn khát" margin của nhà đầu tư. Các CTCK ngoại dường như giảm nhiệt so với những năm trước đó. Quan sát nhóm CTCK Hàn Quốc cho đến thời điểm hiện tại có Chứng khoán KIS Việt Nam lên phương án phát hành gần hơn 116,8 triệu cp (tỷ lệ 100:45) để tăng vốn điều lệ lên 3.765 tỷ đồng.

Các chủ doanh nghiệp sẵn sàng rút hầu bao

Nói thêm về cuộc đua tăng vốn hiện nay, sự khác biệt với những năm trước đó chính là phương án phát hành vốn cho cổ đông hiện hữu. Trước đây, nhóm CTCK ngoại tận dụng lợi thế tài chính từ các tập đoàn mẹ nước ngoài để tăng vốn. Trong khi đó, các công ty trong nước sử dụng nguồn lực chính từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong năm nay, các "ông lớn" đều sử dụng hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Điều này đồng nghĩa rằng các cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp phải "rút hầu bao" cho cuộc đua tăng vốn của mình.

Với SSI, trong phương án phát hành 109,6 triệu cổ phần, ông Nguyễn Duy Hưng và các công ty liên quan phải chi hàng trăm tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ông Hưng sử dụng tiền túi để tăng vốn cho công ty sau hơn 10 năm niêm yết trên HOSE.

Tương tự, bà Phạm Minh Hương và các công ty liên quan cũng phải nộp tiền hàng trăm tỷ đồng để tăng vốn cho VNDirect. Ngoài các cá nhân trong ban lãnh đạo, cổ đông lớn của các công ty như Daiwa Securities tại SSI, Dragon Capital tại HSC, MBBank tại MBS sẽ phải "bơm tiền" cho cuộc đua tăng vốn.

Không chỉ thương thảo với các tổ chức lớn, để đảm bảo thương vụ phát hành thành công, việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư cá nhân chỉ thành công khi họ nhận thấy tiềm năng và sẵn sàng bỏ tiền túi để mua cổ phần trong đợt phát hành.

"Thiên thời" thị trường chứng khoán: Các kỷ lục lợi nhuận cùng cuộc đua tăng vốn

Trở lại tình hình cho vay marign hiện nay, theo thống kê của người viết, tổng giá trị cho vay margin của 20 CTCK lớn nhất thị trường thời điểm cuối quý I là 91.022 tỷ đồng, tăng 15.821 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay đã tăng gấp đôi sau một năm. Tại ngày 31/3/2020, giá trị này chỉ là 45.097 tỷ đồng.

Gay cấn cuộc đua tăng vốn: Lần đầu có CTCK sắp vượt mốc 10.000 tỷ, ngang ngửa nhiều ngân hàng - Ảnh 2.

Cho vay margin tại các công ty chứng khoán. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Hai công ty chứng khoán là Mirae Asset (Việt Nam) và SSI đẩy dư nợ cho vay margin vượt 10.000 tỷ đồng. Một số đơn vị khác gia tăng cho vay ký quỹ như VNDirect, TCBS, Bản Việt, BSC. Trong khi đó, một số đơn vị tăng trưởng chậm do hết "room" như MBS, HSC, Phú Hưng.

Tình trạng "căng margin" như hiện nay lý giải vì sao nhu cầu tăng vốn là cấp thiết với các CTCK tại Việt Nam. Các công ty dồi dào về vốn đồng nghĩa việc có dư địa để tăng trưởng lớn trong bối cảnh thị trường đang thuận lợi hơn bao giờ hết. Ghi nhận tại các đại hội, lãnh đạo các CTCK cho rằng việc tăng vốn nhằm tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu lớn của nhà đầu tư. Các công ty có nguồn lực dồi dào hơn để mở rộng các hoạt động kinh doanh.

Lợi ích của nguồn vốn dồi dào được thấy rõ trong bức tranh lợi nhuận. Trong quý đầu năm nay, nguồn thu từ cho vay margin tại các công ty lớn vượt 200 tỷ đồng như SSI, HSC, Mirae Assets (Việt nam), VPS. Thu từ cho vay margin, hoạt động môi giới và nguồn thu từ chốt lời danh mục tự doanh đã đẩy lợi nhuận nhóm chứng khoán tăng đột biến trong quý I, gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Thông tin thêm, trong năm 2021, hầu hết CTCK đều đặt kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động. Các công ty đặt chỉ tiêu lãi hàng nghìn tỷ đồng có VNDirect (lãi trước thuế 1.100 tỷ đồng), HSC (1.203 tỷ đồng), Bản Việt (1.250 tỷ đồng).

Chứng khoán SSI đưa ra chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng sau năm 2020 lãi kỷ lục. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 5.263 tỷ đồng và 1.870 tỷ đồng, tăng 682 tỷ đồng và 312 tỷ đồng so với thực hiện cả năm 2020.

Những phân tích trên có thể thấy rằng các CTCK đang mạnh tay tăng quy mô vốn kinh doanh khi thị trường chứng khoán gặp "thiên thời". "Nút thắt cổ chai" về vốn giai đoạn 2018 – 2020 đã khiến nhiều CTCK không đuổi kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường. Vì lẽ đó, câu chuyện tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng đang nóng hơn bao giờ hết.

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.