|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

G20 đồng lòng, nhưng khó hợp lực

21:30 | 24/02/2020
Chia sẻ
Hội nghị G20 đã bế mạc tối 23/2 ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, với cam kết sử dụng tất cả các công cụ hiện có để đối phó với những nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế, trong đó có dịch bệnh COVID-19.
G20 đồng lòng, nhưng khó hợp lực - Ảnh 1.

COVID-19 đã lan rộng ra nhiều nước, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng ở châu Á. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Như vậy, có thể thấy, gạt đi những bất đồng trong các vấn đề thương mại, các thành viên Hội nghị bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng lòng đối phó với dịch COVID-19 - một yếu tố chỉ mới xuất hiện trong chưa đầy hai tháng nhưng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Hồi đầu năm nay, hầu hết các định chế tài chính đều có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020. 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 8/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% năm 2020, tăng nhẹ so với mức thấp trong giai đoạn hậu khủng hoảng là 2,4% của năm ngoái. 

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí còn lạc quan hơn khi dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ từ 2,9% trong năm 2019 lên 3,3% trong năm nay và 3,4% năm tới.

Thời điểm đó, mặc dù đều chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng cả WB và IMF đều hầu như không đề cập tới dịch COVID-19 với tư cách là "mối đe dọa cản trở tăng trưởng", do dịch bệnh mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc.

Giờ đây, COVID-19 đã lan rộng ra nhiều nước, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng ở châu Á, khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở tâm dịch Hồ Bắc, Trung Quốc, hoặc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, bị đình trệ và tác động trực tiếp tới các ngành du lịch, giao thông và bán lẻ ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Thực tế này khiến cả WB và IMF đều có cái nhìn thận trọng hơn.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 23/2, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và có thể đe dọa tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Bà Georgieva cảnh báo kể cả trong trường hợp dịch bệnh này nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động. Cụ thể, theo người đứng đầu IMF, COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và khiến kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay.

Cùng chung quan điểm với Tổng Giám đốc IMF, nhiều chuyên gia kinh tế đều lo ngại về khả năng dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Thậm chí, một số chuyên gia có cái nhìn bi quan hơn so với người đứng đầu IMF, cho rằng vào thời điểm xảy ra Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, Trung Quốc – nơi bùng phát dịch COVID-19 - chỉ chiếm 8% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng giờ đây, con số này đã tăng lên 19%.

Cho dù có những khác biệt trong nhận định, nhưng trong tuyên bố chung của hội nghị ở Riyadh, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đều nhất trí rằng sau những dấu hiệu của sự bình ổn vào cuối năm 2019, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể ở mức khiêm tốn trong năm 2020 và 2021… 

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm và các rủi ro suy giảm tăng trưởng vẫn đang tồn tại, trong đó có sự bùng phát của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đều cam kết sẵn sàng hành động để xử lý những rủi ro này. G20 cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm, và bảo vệ để chống lại các nguy cơ suy thoái, trong khi tiến hành cải cách về cơ cấu nhằm thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng.

Mặc dù tất cả các nền kinh tế thành viên G20 đã nhất trí sẵn sàng can thiệp bằng các chính sách cần thiết, song điều đáng tiếc là G20 không đưa ra được những hành động tập thể nhằm đối phó với rủi ro mới nảy sinh từ dịch COVID-19

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 chỉ khuyến nghị cần thực thi chính sách tài khóa linh hoạt và hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời duy trì tỷ lệ nợ công/GDP ở mức hợp lý. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động kinh tế và đảm bảo sự ổn định của giá cả…

Cũng tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã thông qua bản đề xuất mà các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí hồi tháng 1/2020 như “nền tảng” cho các cuộc thương lượng hiện nay về vấn đề thuế quan. 

Mục đích của quá trình này là nhằm “bịt lỗ hổng” trong hệ thống thuế bằng cách thay đổi các quy tắc đánh thuế hiện hành, vốn gắn với sự hiện diện hữu hình của một công ty như văn phòng hay nhà xưởng.

Theo các quy tắc mới, các nước có thể đánh thuế các công ty đa quốc gia, trong đó có các hãng công nghệ, đang thực hiện hoạt động kinh doanh trong biên giới của mình. Các nền kinh tế G20 đặt mục tiêu đạt được đồng thuận về một hệ thống thuế quan quốc tế mới vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng G20 khó hoàn thành mục tiêu trên nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ. Do các quy tắc mới có thể tác động trực tiếp tới các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ như Apple, Google hay Amazon nên Washington đã đưa ra đề xuất về cơ chế “nơi trú ẩn an toàn” nhằm cho phép các công ty lựa chọn tiếp tục hoạt động theo quy tắc thuế quan hiện hành. 

Nhiều nền kinh tế thành viên G20 như Nhật Bản và Pháp đã bày tỏ lo ngại rằng đề xuất của Mỹ có thể làm suy yếu nền tảng của hệ thống thuế quan mới mà các nền kinh tế thành viên G20 đang nỗ lực xây dựng.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng đề xuất của Mỹ “sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của những gì chúng ta đang cố gắng làm". Đây là quan điểm được nhiều nước chia sẻ. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định ông phản đối việc đánh thuế mang tính phân biệt đối xử đối với các dịch vụ kỹ thuật số khi mà phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ này đều từ Mỹ. Ông cũng cảnh báo Washington sẽ phản ứng bằng các cuộc điều tra và đánh thuế trả đũa nếu các nước quyết định hành động riêng rẽ ngoài thỏa thuận OECD.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, thông cáo chung của các quan chức tài chính G20 đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên, do sự phản đối của Mỹ, vấn đề này đã bị loại khỏi danh sách những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, bản thông cáo sẽ có vai trò như một tài liệu tham chiếu đối với Ủy ban ổn định tài chính (FSB) trong quá trình xem xét tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự ổn định tài chính.

Washington đã phản đối bản thông cáo được đề xuất ban đầu với nội dung nhận định “rủi ro về kinh tế vĩ mô có liên quan đến sự ổn định về môi trường" khi liệt kê danh sách những rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng toàn cầu. 

Trước đó, IMF đã liệt kê các thảm họa liên quan đến khí hậu vào danh sách những rủi ro có thể phá hỏng đà phục hồi dự kiến "rất mong manh" của kinh tế toàn cầu trong năm 2020. 

Theo một báo cáo được công bố tuần trước, ngành dịch vụ tài chính thế giới có nguy cơ thiệt hại lên tới 1.000 tỷ USD nếu không ứng phó nhanh với tình trạng biến đổi khí hậu, để từ đó chịu ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách như áp dụng thuế carbon.

Với kết quả của hội nghị G20 tại Riyadh lần này, có thể nói rằng những rủi ro xuất phát từ dịch bệnh không biên giới COVID-19 đã khiến các nền kinh tế G20 đồng lòng sẵn sàng hành động, song rõ ràng vẫn còn khoảng cách khá xa từ "đồng lòng" tới "hợp lực" bằng việc triển khai cụ thể những biện pháp cần thiết.

Đào Thanh Tùng

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.