|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FPT Retail rót thêm 225 tỷ đồng vào công ty sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu

15:24 | 07/11/2022
Chia sẻ
FPT Retail tăng gấp đôi số vốn góp tại CTCP Dược phẩm FPT Long Châu từ 225 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) vừa thông qua nghị quyết về việc góp thêm vốn vào công ty con – CTCP Dược phẩm FPT Long Châu.

Cụ thể, FPT Retail quyết định tăng vốn góp tại Long Châu từ 225 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,07% lên 89,93%. Hình thức góp vốn là mua 22,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp.

Đồng thời, FPT Retail cũng uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp, hiện là người đại diện vốn góp của công ty tại Long Châu quyết định các vấn đề và thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc góp vốn.

 FPT Retail góp thêm 225 tỷ đồng vào Long Châu. (Ảnh: FPT Long Châu).

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chuỗi FPT đem về 15.233 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 70% vào tổng doanh thu và tăng 32% so với 9 tháng năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng ba quý là 296 tỷ đồng.

Tính riêng quý III, lãi ròng của FPT Retail đạt 84,5 tỷ đồng, tăng 80% so với quý III/2021. Biên lợi nhuận gộp quý III của doanh nghiệp là 15,5% và biên lãi thuần là 1,1%.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của doanh nghiệp đạt 9.926 tỷ đồng cuối quý III. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 5.458 tỷ đồng tại ngày 30/9 và đã được trích lập dự phòng 47 tỷ đồng.

Cuối quý, công ty có 90 tỷ đồng phải thu về cho vay với Tập đoàn FPT (Mã: FPT), giảm mạnh so với con số 895 tỷ đồng ngày 30/6 và 1.560 tỷ đồng đầu năm. 

Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cuối tháng 9 là 2.312 tỷ đồng. Khoản tiền gửi, tiền cho vay cũng đem về cho FPT Retail 120 tỷ đồng ba quý đầu năm. 

Tổng nợ phải trả tại ngày 30/9 là 7.985 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 4.900 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn từ ngân hàng. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp tốn 156 tỷ đồng chi phí lãi vay.  

Vốn chủ sở hữu cuối quý III của FPT Retail là 1.941 tỷ với 734 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Lâm Anh