Fortex đặt mục tiêu lãi ròng 2017 tăng 70% so với năm trước
ĐHĐCĐ thường niên FTM năm 2017
Triển vọng tươi sáng của ngành dệt may năm 2017
Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam chiếm khoảng 4,5% ngành dệt may toàn cầu với giá trị xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm 2016. Xét riêng ngành công nghiệp sợi, sản lượng sản xuất của Việt Nam hiện nay vào khoảng 1,37 triệu tấn sợi mỗi năm, trong đó 23,6% được sử dụng trong nước để sản xuất 1,7 tỷ m2 vải. Trong khi phần sợi còn lại (76,4%) được xuất khẩu.
Chính vì vậy, đây vẫn là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc (bao gồm chi phí lao động và điện). Song song đó, Việt Nam đang nhận được những ưu đãi thuế quan từ các nước khi ký kết Hiệp định thương mại FTAs.
Theo nhận định của CTCK Ngân hàng BIDV (BSI) thì trong năm 2017 này dù gặp phải một số khó khăn do TPP không được thông qua nhưng triển vọng tăng trưởng sẽ không quá lo ngại. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á Âu vừa chính thức có hiệu lực vào 5/10/2016 sẽ mở cánh cửa cho sản phẩm dệt may của Việt Nam (được cắt giảm thuế tới gần 90%) sang thị trường 183 triệu dân của các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Song song đó, BSI cũng cho rằng giá bông được dự báo sẽ tăng chậm lại. Sản lượng bông thế giới được dự báo sẽ tăng 8% lên mức 22,9 triệu tấn trong năm 2017 do giá bông tăng trong nửa cuối năm vừa rồi đã khuyến khích người nông dân canh tác trở lại. Ngoài ra, thời tiết cũng tỏ ra thuận lợi hơn cho việc trồng trọt so với mùa vụ trước. Trong khi đó, tiêu thụ bông được dự báo sẽ được giữ ổn định ở mức 23,9 triệu tấn do Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất dự báo sẽ giảm lượng 3% lượng tiêu thụ xuống còn 7,1 triệu tấn. Nhu cầu tại Trung Quốc giảm do giá polyester, sản phẩm thay thế bông trong công nghiệp sản xuất đệm mút, đang ở mức thấp so với bông tự nhiên.
Đáng chú ý là những con số mới nhất về tình hình xuất khẩu trong ngành dệt may của nước ta cũng rất đáng khả quan trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu dệt may trong tháng 3 đạt 2,1 tỷ USD, tăng mạnh 51,6% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm 2017 lên 5,62 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng thị trường Hoa Kỳ, trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang nước này đạt 2,72 tỷ USD, tăng 8,1 %. Một số thị trường khác cũng có dấu hiệu lạc quan như xuất khẩu dệt may sang EU đạt 733 triệu USD, tăng 6,6%; sang Nhật Bản đạt 715 triệu USD, tăng 12,4% và sang Hàn Quốc: 617 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2016.
FTM đặt mục tiêu lãi ròng 2017 tăng 70% lên 64 tỷ đồng
Với tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may, đây sẽ là cơ hội lớn để những doanh nghiệp trong ngành sợi như FTM chuyển mình nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm hiện tại, FTM sở hữu 3 nhà máy đặt tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Tiền Hải với tổng 108.700 cọc sợi và công suất hàng năm đạt 17.000 tấn. Các khách hàng lớn của FTM đến từ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu và trong nước. Nguyên liệu được nhập khẩu từ Châu Phi, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, và Úc.
Nhìn thấy một triển vọng lạc quan trước mắt, trong ĐHĐCĐ thường niên 2017 mới diễn ra, các cổ đông của công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với những con số tăng trưởng tích cực. Doanh thu thuần dự kiến sẽ đạt 1.210 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Theo đó, FTM đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng, tăng mạnh 67% và lợi nhuận sau thuế là 64 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2016. Nếu đạt được kế hoạch này, FTM sẽ chia cổ tức với tỷ lệ gấp đôi năm 2016 là 10% vốn điều lệ, tương ứng số tiền chi ra là 61 tỷ đồng.
Một bước đi quan trọng khác của FTM là thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 610 tỷ đồng thông qua chào bán 11 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP. Cụ thể, công ty sẽ chào bán 10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1 với giá phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, FTM sẽ chào bán 1 triệu cp với giá chào bán là 10.000 đồng/cp cho cán bộ, công nhân viên của công ty. Được biết, mục đích chào bán nhằm huy động vốn hợp tác đầu tư dự án 55 Trần Nhật Duật, tổ hợp khu thương mại dịch vụ, căn hộ và văn phòng với diện tích 5.000 m2 nằm ngay trên hai mặt tiền đường Trần Nhật Duật và đường Trần Khánh Dư, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2016, vượt qua những khó khăn về tình hình thời tiết do hậu quả của cơn bão số 1 năm 2016, FTM đã nhanh chóng khôi phục sản xuất và đạt được những kết quả vượt so với kế hoạch mà ĐHĐCĐ 2016 đã đề ra. Cụ thể, doanh thu năm 2016 đạt 1.161 tỷ đồng, vượt kế hoạch 21%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37 tỷ đồng, vượt kế hoạch 88%. Song song đó, chất lượng tài sản của công ty được nâng cao, công ty luôn duy trì ổn định hiệu quả sản xuất, hiệu suất hoạt động đạt 90%, tăng 4% so với năm 2015. Với kết quả này, FTM sẽ chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% vốn điều lệ tương ứng giá trị là 25 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/