|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Forbes: Mỹ rút khỏi TPP là món quà lớn cho Trung Quốc

11:30 | 27/01/2017
Chia sẻ
Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump được lý giải là để tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Mỹ có thể thiệt hại nhiều hơn khi rút khỏi TPP.
forbes my rut khoi tpp la mon qua lon cho trung quoc
Ông Donald Trump nâng cao tờ lệnh ngay sau khi ký - Ảnh: Reuters

Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo Reuters, Mỹ có thể thiệt hại lớn khi rời bỏ một thị trường gần 62 tỉ USD, nhất là khi nền nông nghiệp Mỹ phần lớn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Đó chính là lý do vì sao nhiều tập đoàn nông nghiệp của Mỹ bày tỏ thất vọng về việc Mỹ rút khỏi TPP đồng thời thúc giục chính quyền của ông Trump tìm cách khác để tăng cường hàng xuất khẩu vào các nước châu Á.

Thật tréo ngoe là gần hai phần ba số phiếu bầu ở nông thôn Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua đã bầu cho ông Trump, trong đó có các bang mạnh về nông nghiệp như Iowa, Nebraska, Ohio và Indiana. “TPP hứa hẹn rất lớn đối với chúng tôi và là một ưu tiên quan trọng của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi rất thất vọng khi thấy Mỹ rút lui”, Ron Moore, Chủ tịch của Hiệp hội đậu nành Mỹ nói.

Đậu nành là mặt hàng chủ lực xuất khẩu trong ngành nông nghiệp của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến ​​xuất khẩu đậu nành trong năm 2016-2017 đạt mức kỷ lục 55,8 triệu tấn, chiếm gần một nửa số vụ thu hoạch gần đây. Mỹ là nước xuất khẩu ròng nông sản và các chuyến hàng đến 11 quốc gia khác trong thỏa thuận TPP đạt 61,7 tỉ USD trong năm 2015.

Đàm phán song phương giữa Mỹ với các quốc gia này có thể mất nhiều năm mới có thể ký kết thỏa thuận thương mại song phương và điều đó không phải dễ dàng. Giờ đây, nông dân Mỹ và các nhóm thương mại có liên quan kêu gọi Mỹ tiếp cận với thị trường lớn như Trung Quốc.

Liên đoàn Xuất khẩu thịt của Mỹ, nhóm xúc tiến thương mại thịt ở nước ngoài cũng muốn biết kế hoạch chi tiết về những gì chính quyền ông Donald Trump sẽ thực hiện để bù vào thị trường TPP. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền mới sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để đưa Mỹ vào vị thế cạnh tranh trở lại, tiếp tục đưa nông sản Mỹ phục vụ khách hàng quốc tế” ông Philip Seng, Giám đốc điều hành của liên đoàn cho biết.

Trong năm 2015, Mỹ xuất khẩu vào Nhật Bản lượng thịt bò và thịt heo trị giá 28,8 tỉ USD, theo ông Said Joe Schuele, người phát ngôn liên đoàn nói trên. Theo ông Said, quyền tiếp cận nông sản của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất quan trọng cho cả hai ngành công nghiệp thịt bò và thịt heo.

Cựu Trưởng đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cho rằng, quyết định rút khỏi TPP sẽ tàn phá nông nghiệp Mỹ. “Bây giờ chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nước khác để giảm thuế nhập khẩu trên 18.000 mặt hàng” ông Ron Kirk nói. Ông Kirk hiện là cố vấn cấp cao tại công ty luật Gibson, Dunn & Crutcher cho rằng, thật khó hiểu khi Mỹ rút khỏi TPP vì đó là khu vực miễn thuế lớn nhất thế giới và 11 nước khác tham gia TPP giờ đây có thể tiếp tục cuộc chơi mà không cần đến Mỹ.

Các nhà phân tích thậm chí còn lo ngại nhiều hơn về chính sách bảo hộ của Mỹ gây tác động xấu đến nền kinh tế số một thế giới. Tạp chí Forbes cho rằng, Mỹ rút khỏi TPP sẽ là “món quà” lớn với Trung Quốc và không có ai hạnh phúc về điều đó hơn là Chính phủ Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc rất vui để đảm nhận vai trò lãnh đạo thương mại toàn cầu khi Mỹ tự nguyện rút lui.

Vì vậy, Thỏa thuận đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương thành lập gồm 16 nước có thể sẽ thay thế vai trò của TPP.

Khánh Minh

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.