FLC Faros tiếp tục kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu
FLC Faros tiếp tục kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu
CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2018. Trong đó HĐQT công ty đề ra kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2019.
Một trong những nội dung đáng chú ý là công ty sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành tối đa 300 triệu cổ phần (giá trị theo mệnh giá 3.000 tỉ đồng) để tăng vốn điều lệ và huy động vốn đầu tư Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Quần thể này có diện tích 1.500 ha, tổng mức đầu tư ước tính 9.700 tỉ đồng. Hạng mục đầu tư dự kiến bao gồm 485 phòng khách sạn, 1.261 villa và nhà phố, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, trung tâm hội nghị, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, … Hiện dự án mới đang trong giai đoạn thiết kế concept.
Dự án Quần thể FLC Ngọc Vừng. Ảnh: FLC.
FLC Faros hiện có vốn điều lệ 5.676 tỉ đồng. Nếu đợt phát hành này thành công, công ty sẽ nâng vốn lên 8.676 tỉ đồng.
Thực tế kế hoạch này đã được Đại hội cổ đông thường niên 2018 thông qua. Cụ thể, đại hội ngày 2/4/2018 đã nhất trí phương án phát hành tối đa 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỉ lệ phát hành khi đó là 19:10, giá phát hành dự kiến 12.000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu ROS trong hơn một năm qua. Nguồn: VNDirect.
Mức giá này tương đương với giá trị sổ sách của cổ phiếu ROS thời điểm 31/12/2017 và chỉ bằng 9% của giá đóng cửa phiên gần nhất là 135.000 đồng/cp (tương ứng với mức giá sau điều chỉnh theo cổ tức là 112.500 đồng/cp).
Khi được hỏi tại sao công ty lại có ý định phát hành với giá quá rẻ như vậy, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết chia sẻ: "Công ty muốn ghi nhận sự tin tưởng vào Faros của cổ đông chiến lược, cổ đông dài hạn".
Ông Trịnh Văn Quyết
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Công ty FLC Faros
Phát hành 300 triệu cổ phiếu ROS với giá 12.000 đồng/cp để ghi nhận sự tin tưởng vào Faros của cổ đông chiến lược, cổ đông dài hạn.
Tại đại hội khi đó, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng. FLC Faros cho biết sẽ dùng tối đa 3.000 tỉ đồng để đầu tư Dự án Ngọc Vừng, số còn lại để bổ sung vốn lưu động.
Kết phiên 26/4, giá cổ phiếu ROS dừng ở 30.850 đồng/cp, mức thấp nhất từ ngày 5/10/2016 trở lại đây, mức giá phát hành dự kiến 12.000 đồng/cp đã kém hấp dẫn đi rất nhiều. Thanh khoản cổ phiếu ROS tăng đột biến trong khoảng một tháng trở lại đây, tương đương với giai đoạn tháng 3/2017.
Tại đại hội cổ đông 2018, công ty dự kiến chào bán vào quí III hoặc quí IV/2018 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; thực tế đến nay, thị giá cổ phiếu ROS đã hao mòn đáng kể và kế hoạch phát hành vẫn chưa được thực hiện.
Nhiều khả năng trong đại hội cổ đông thường niên năm 2019, FLC Faros sẽ cung cấp thêm thông tin cập nhật về đợt phát hành này, bao gồm mức giá dự kiến.
FLC và FLC Faros cùng muốn tăng vốn
Một doanh nghiệp khác do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT là CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cũng có kế hoạch phát hành tối đa 300 triệu cổ phiếu trong năm 2018 nhưng đến nay cũng chưa thực hiện.
Ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành thêm xấp xỉ 299,62 triệu cổ phần, tương đương giá trị theo mệnh giá gần 3.000 tỉ đồng.
Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu, tỉ lệ phát hành 42,2% tức là tại ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền, cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần FLC sẽ được quyền mua 422 cổ phiếu phát hành thêm. Giá phát hành dự kiến bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Trong khi FLC Faros đưa ra mức giá phát hành dự kiến thấp hơn nhiều lần so với thị giá thì Tập đoàn FLC lại dự kiến phát hành với mức giá cao gấp đôi thị giá.
Số tiền thu được từ đợt phát hành của Tập đoàn FLC ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng sẽ được dùng để thực hiện các dự án của Tập đoàn FLC, đầu tư vào công ty con và bổ sung vốn lưu động của Tập đoàn. Cụ thể:
500 tỉ đồng cho Quần thể FLC Quảng Bình, 600 tỉ đồng cho Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, 400 tỉ đồng cho Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Quy Nhơn, 500 tỉ đồng cho Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình, 700 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho công ty con là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ 1.300 lên 2.000 tỉ đồng, và 296,2 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.