|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC Faros ba năm sau ngày lên sàn: Những con số nổi bật

09:00 | 27/09/2019
Chia sẻ
Tháng 9/2016, CTCP Xây dựng FLC Faros đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn niêm yết và giao dịch. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những thay đổi của công ty trong ba năm qua, cả về kết quả kinh doanh, cơ cấu cổ đông và những kỉ lục về giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh trồi sụt

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FLC Faros cùng đạt đỉnh trong quí IV năm 2017 với giá trị lần lượt 2.317 tỉ đồng và 639 tỉ đồng. Đây cũng là khoảng thời gian mà giá cổ phiếu ROS lập đỉnh mọi thời đại 214.100 đồng/cp (giá trước điều chỉnh) hoặc 178.100 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) trong phiên 3/11/2017.

Trong quí gần đây nhất (quí II/2019), FLC Faros đạt doanh thu thuần 1.464 tỉ đồng trong quí vừa qua, tăng trưởng 28,6% so với cùng kì. Do nhiều loại chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 43 tỉ đồng, giảm 17,5% so với quí II/2018. Đây là quí sụt giảm lợi nhuận thứ 4 liên tiếp của công ty.

So với quí IV/2016 (quí đầy đủ đầu tiên sau khi công ty lên sàn), doanh thu của FLC Faros trong quí II/2019 giảm 16,6% còn lợi nhuận sau thuế sụt 77%.

cophieu

Kết quả kinh doanh và biến động giá cổ phiếu của FLC Faros trong ba năm qua. Nguồn: Đức Việt tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Biến động cơ cấu cổ đông và vốn điều lệ

Ngày 1/9/2016, FLC Faros đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn niêm yết và giao dịch, tương đương với vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng. Sau đó, công ty hai lần trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10% và 20%. Hiện nay, số cổ phiếu ROS lưu hành là 567,6 triệu đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ 5.676 tỉ đồng.

Trong ba năm qua, FLC Faros chưa từng trả cổ tức tiền mặt. Năm 2018, công ty còn có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp tuy nhiên sau đó không thực hiện.

Về cơ cấu cổ đông, FLC Faros có cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 5/5/2017 đến nay.

Trước đó, tại ngày 6/7/2016, ông Trịnh Văn Quyết đã là cổ đông lớn nhất của FLC Faros với sở hữu 179,7 triệu cp ROS, tương ứng tỉ lệ 41,79%

Đến tháng 9/2016 sau khi ROS được niêm yết, ông Quyết mua thêm gần 100 triệu cp, nâng sở hữu của cá nhân ông lên 279,55 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 65,01%.

Đến tháng 12/2016, ông Quyết mua thêm 10 triệu cp ROS, nâng sở hữu lên 289,55 triệu đơn vị, tương ứng tỉ lệ 67,34%.

Trải qua hai lần nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% và 20% như đã nói ở trên, số cổ phiếu ông Quyết nắm giữ tăng lên mức 382,22 triệu đơn vị, tỉ lệ sở hữu vẫn là 67,34%.

Đầu tháng 9/2019, ông Quyết đăng kí bán 70 triệu cổ phiếu ROS, dự kiến giảm sở hữu xuống còn 312,22 triệu (55,01%).

co cau co dong

Cơ cấu cổ đông của FLC Faros vào tháng 9/2016 và tháng 9/2019. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết cũng từng là cổ đông của FLC Faros.

Cụ thể, vào tháng 9/2016, bà Diệp đang sở hữu 20,2 triệu cp ROS, tương ứng tỉ lệ 4,7%. Qua hai lần nhận cổ tức bằng cổ phiếu, sở hữu của bà Diệp tăng lên thành 26,664 triệu đơn vị.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019, bà Diệp bán hết 26,664 triệu cổ phiếu ROS theo phương thức thỏa thuận, ước tính thu về gần 1.000 tỉ đồng. Hiện nay bà không còn là cổ đông của FLC Faros.

Một cổ đông lớn trung thành của FLC Faros là Công ty TNHH Một thành viên FLC Land. Từ tháng 7/2016 đến nay, FLC Land luôn sở hữu 5,23% vốn điều lệ của FLC Faros, chưa một lần giao dịch mua vào hay bán ra.

Giá cổ phiếu giảm sâu, tăng sốc

Trong khoảng ba năm sau ngày lên sàn, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 24/9/2019 mới đây, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã trải qua 764 phiên giao dịch, trong đó có 297 phiên giảm giá, 415 phiên tăng giá và 52 phiên đóng cửa bằng tham chiếu.

so phien ros

Tỉ lệ số phiên tăng, giảm, tham chiếu của cổ phiếu ROS. Nguồn số liệu: VDSC.

Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng số cổ phiếu được giao dịch trong 764 phiên này là khoảng 3,39 tỉ đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch 204.127 tỉ đồng.

Khối lượng giao dịch bình quân là 4,43 triệu đơn vị/ngày, tương ứng với giá trị 267 tỉ đồng/ngày.

Các phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu ROS là những phiên giảm kịch sàn với tỉ lệ 7%. Phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử của ROS chính là phiên chào sàn HOSE ngày 1/9/2016 khi cổ phiếu này tăng kịch biên độ 20% và đóng cửa ở 12.600 đồng/cp (giá trước điều chỉnh).

Kết phiên giao dịch đầu tiên, ROS có vốn hóa 5.418 tỉ đồng. Ngày 3/11/2017, giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh 214.100 đồng/cp (giá trước điều chỉnh) hoặc 178.100 đồng/cp (giá sau điều chỉnh). 

Tại ngày này, vốn hóa của ROS đạt kỉ lục 101.269 tỉ đồng. Với việc sở hữu 67,34% vốn của FLC Faros, khối cổ phiếu ROS mà ông Quyết năm giữ khi đó có giá trị lên tới 68.194 tỉ đồng (hơn 3 tỉ USD).

Cộng thêm sở hữu tại Tập đoàn FLC và CTCP Chứng khoán Artex, ông Quyết khi đó là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa các nhân vật đình đám khác như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hay Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, …

ros market cap

Lịch sử biến động vốn hóa cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros. Nguồn số liệu: VDSC.

Hiện nay, giá cổ phiếu ROS chỉ còn 27.000 đồng một đơn vị, tương đương mức vốn hóa chỉ khoảng hơn 15.000 tỉ đồng. Giá trị khối cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết cũng còn chưa tới 1 tỉ USD.

Phiên có khối lượng cổ phiếu ROS giao dịch khủng nhất là ngày 26/9/2016 khi có tổng cộng gần 40,7 triệu đơn vị được mua bán, trong đó có chỉ có hơn 787.000 đơn vị được khớp lệnh, còn lại gần 40 triệu đơn vị được giao dịch thỏa thuận.

Ngày 19/9/2019 vừa qua là phiên có khối lượng khớp lệnh kỉ lục với hơn 19,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 508 tỉ đồng. Thực tế trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, ROS liên tục nhiều phiên dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, cả về khối lượng và giá trị giao dịch.

Phiên có khối lượng cổ phiếu ROS giao dịch "nhỏ giọt" nhất là ngày 8/6/2017 khi chỉ có 97.490 đơn vị được mua bán, toàn bộ đều là giao dịch khớp lệnh.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.