FLC dự kiến khởi công tổ hợp khu du lịch, đô thị hơn 700 ha tại Hòa Bình vào cuối năm
Thông tin từ Cổng điện tử tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) về tiến độ triển khai các dự án nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của tỉnh cho thấy, hiện nay Tập đoàn FLC đã nghiên cứu lập quy hoạch bốn dự án, trong đó có hai dự án dự kiến khởi công trong quý IV năm nay.
Cụ thể, dự án Khu Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm (43 ha) tại phường Phương Lâm, xã Dân chủ, Sủ Ngòi, TP Hòa Bình dự kiến khởi công trong tháng 11/2021; Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi (705 ha) tại xã Lạc Yên, huyện Yên Thủy dự kiến khởi công trong tháng 12/2021.
Hai dự án còn lại gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí Thung Nai (981 ha) tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, xã Ngòi Hoa, Trung Hòa, huyện Tân Lạc và khu đô thị (KĐT), du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tòng Đậu (163,1 ha) tại xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu.
Tập đoàn FLC cho biết, doanh nghiệp xác định Hòa Bình là địa bàn đầu tư chiến lược, do đó sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án.
FLC, Vingroup và loạt ông lớn kéo về đầu tư
Trong khoảng hai năm trở lại đây, Hòa Bình nổi lên là điểm đến thu hút đầu tư của nhiều ông lớn.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 11/12/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án và ký biên bản ghi nhớ đầu tư với 15 dự án. 9 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư có tổng vốn trên 94.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, 9 dự án nói trên có sự góp mặt của nhiều ông lớn bất động sản như CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), Tập đoàn FLC, CTCP Tập đoàn T&T và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).
Trước đó, đã có một số dự án đáng chú ý đã xuất hiện tại Hòa Bình, có thể kể đến như trung tâm thương mại Vincom Plaza của Vingroup tại TP Hòa Bình. Hay vào cuối năm 2018, Geleximco khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình).
Geleximco cũng đồng thời trúng thầu hai dự án lớn là KĐT sinh thái Trung Minh - Geleximco (60 ha, tổng mức 1.740 tỷ đồng) và KĐT mới Hoà Bình - Geleximco (3.602 tỷ đồng).
Về phía Tập đoàn T&T, doanh nghiệp đã đề xuất 7 dự án trong lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp ở Hoà Bình, trong đó có dự án nông nghiệp công nghệ cao có 1.700 ha ở huyện Đà Bắc và KĐT nông nghiệp Kỳ Sơn 700 ha.
Thống kê vào quý III/2019, Hòa Bình nổi lên là tỉnh có tăng trưởng lượng truy cập tìm kiếm bất động sản cao nhất trong số các tỉnh phía Bắc, đặc biệt đối với phân khúc đất trang trại và đất thổ cư tại các khu vực Lương Sơn, Kỳ Sơn và TP Hòa Bình.
Vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án KĐT mới Trung Minh B, xã Trung Minh, TP Hòa Bình đối với liên danh CTCP Lã Vọng Group và CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới.
Dự án này có quy mô gần 59 ha, tổng vốn đầu tư gần 780 tỷ đồng, được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2018.
Trước đó, liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính Việt Nam (từng thuộc Lã Vọng) và Ngôi Nhà Mới đã trúng sơ tuyển dự án KĐT mới Trung Minh A (TP Hòa Bình), với quy mô hơn 83 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.126 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề xuất ADB đầu tư dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch Hồ Hòa Bình với tổng mức đầu tư dự kiến trên 90 triệu USD.
Dự án bao gồm các hạng mục như Xây dựng mở rộng tuyến đường bờ phải lòng hồ dài 33 km, kết nối vào đường tỉnh DT.435 tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong; xây dựng cải tạo và nâng cấp cảng du lịch.
Đến tháng 12/2020, Tập đoàn Sun Group đề xuất lập quy hoạch đối với dự án tổ hợp Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo và tàu hoả leo núi, yoko tại hai huyện Lạc Sơn và Kim Bôi.
Mới đây nhất, tỉnh vừa giao đất cho CTCP 873 - Xây dựng Công trình Giao thông (Cienco 873) để triển khai dự án khu nhà ở Riverview Lương Sơn tại xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn.
Đồng thời, tỉnh cũng thông báo tìm chủ cho hai dự án, gồm khu nhà ở sinh thái Mường Hoa nằm tiếp giáp Quốc lộ 6, TP Hòa Bình (300 tỷ đồng) và Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam (65 ha, 512 tỷ đồng).
Nội lực phát triển từ hạ tầng, giao thông
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách trung tâm Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, Hòa Bình là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô.
Địa phương này có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường huyết mạch đi qua như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B,...
Tháng 10/2018, đường Hòa Lạc - Hòa Bình chính thức hoàn thành. Tuyến đường có tổng chiều dài 25 km, tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, cùng với Đại lộ Thăng Long tạo thành trục kết nối trung tâm TP Hà Nội với TP Hòa Bình.
Tháng 11/2019, tỉnh thông xe kỹ thuật dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan, thu hút các dự án đầu tư vào vùng lõi của hồ Hòa Bình.
Hiện nay, Hòa Bình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các trọng điểm như Cầu Hòa Bình 2; đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình); đường liên xã vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - Quốc lộ 6; các tuyến đường tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đang nghiên cứu, triển khai tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình và khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam); các tuyến đường xương cá với đường Hòa Lạc - Hòa Bình, xây dựng thêm tuyến đường tránh QL qua các khu dân cư. Đồng thời, đề xuất triển khai dự án đường vành đai 5 Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh.