|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực

12:23 | 10/05/2019
Chia sẻ
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã có thông báo chính thức nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB.
Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực - Ảnh 1.

Fitch khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức BB trong thời gian tới.

Fitch Ratings khẳng định xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức BB và đánh giá triển vọng tích cực. Việc Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ ổn định lên tích cực phản ánh trình độ quản lí đã được cải thiện của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và thặng dư vãng lãi, giảm mức nợ công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định.

Cam kết này đã dẫn đến việc tổng nợ của Chính phủ giảm từ 53% GDP năm 2016 xuống mức 50,5% GDP trong năm 2018. Fitch dự đoán tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% vào cuối năm 2020.

Sau khi gần chạm mức trần 65% GDP vào cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam (tổng nợ chính phủ bao gồm nợ bảo lãnh) cũng đã giảm xuống 58% vào cuối năm 2018. Mức giảm này có được là nhờ nợ Chính phủ bảo lãnh giảm mạnh từ mức 9,1% cuối năm 2017 xuống khoảng 8% vào thời điểm cuối năm 2018.

Ngoài ra, khoản thu ổn định từ hoạt động tư nhân hóa doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (hay cổ phần hóa), tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và thâm hụt tài khóa thấp hơn cũng hỗ trợ cho việc giảm nợ công.

Tốc độ cổ phần hóa nhìn chung đã chậm lại với 28 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa so với con số 69 năm 2017, tuy nhiên quá trình này vẫn tiếp tục vượt lên trong tương lai.

Theo ước tính của Fitch Ratings, nợ và thâm hụt, vốn phù hợp với tiêu chuẩn kế toán Thống kê Tài chính Chính phủ Việt Nam (GFS), đã giữ mức thâm hụt ngân sách ở mức 3,6% GDP vào năm 2019. Con số này tương đương mức 3,5% mà chính phủ Việt Nam đã dự đoán cho năm 2020, theo kế hoạch ngân sách trung hạn 2016 - 2020.

Việt Nam đang duy trì chính sách tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP đã cải thiện từ mức 6,8% năm 2017 lên 7,1% năm 2018, trong khi lạm phát vẫn ổn định ở mức 3,5% - nằm trong khoản mục tiêu 4% của Quốc hội Việt Nam. Tăng trưởng tiếp tục được trợ sức nhờ rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất cũng như lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp.

Fitch dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2019 xuống còn 6,7%, đồng nghĩa với việc nó vẫn được duy trì trong khoảng mục tiêu 6,6 - 6,8% của Quốc hội.

Tăng trưởng của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng toàn cầu chững lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - hai nhân tố đè nặng lên dòng chảy thương mại và tình cảm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xếp hạng BB trên toàn cầu.

Thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người của Việt Nam hiện yếu hơn so với trung bình. Theo ước tính của Fitch, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào cuối năm 2018 là 2.512 USD, thấp hơn mức trung bình hiện tại của xếp hạng BB là 6.188 USD.

Hơn nữa, Việt Nam đã rơi xuống bách phân vị thứ 38 trên bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc, trong khi bách phân vị trung bình của mức BB hiện tại là thứ 58.

Xếp hạng của Việt Nam về chỉ số quản trị tổng hợp nằm ở vị trí 41, vẫn thấp hơn so với mức trung bình. Tuy nhiên, về Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh, Việt Nam lại đứng ở bách phân vị thứ 64, trên mức trung bình hiện tại là 60.

Trần Nam Thi