Fitch: Ồ ạt cổ tức nhưng các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam đang đối mặt gánh nặng vốn
Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực có thể bị hạn chế do các ngân hàng có nhu cầu vốn lớn đang phải đối mặt giữa sự mở rộng bảng cân đối kế toán nhanh, những khoản nợ có vấn đề nằm ngoài báo cáo và việc triển khai Basel II vào năm 2020.
Áp lực tăng vốn để thực hiện Basel II
Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch dẫn thông tin từ truyền thông Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã đồng ý với đề xuất từ Ngân hàng Nhà nước, cho phép các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước (NHTM Nhà nước) bảo toàn lượng vốn được tạo ra trong nội bộ, bằng cách giữ lại cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện kế hoạch này vẫn đang chờ Quốc hội phê duyệt, nếu được thông qua, các NHTM Nhà nước có thể thực hiện theo thông lệ có sẵn mà các ngân hàng tư nhân đang áp dụng.
Fitch ước tính tác động vốn tích cực đối với các NHTM Nhà nước được xếp hạng (Vietcombank và VietinBank) sẽ lên tới 30 bps (điểm cơ bản, mỗi bps = 1/100 của 1%), tương đối nhỏ so với mức thiếu hụt vốn tiềm năng ước tính của tổ chức này lên tới 200 bps, giả sử họ đạt mục tiêu 8% tỷ lệ vốn cấp 1.
Các ngân hàng Việt Nam và NHTM Nhà nước nói riêng, đang phải đối mặt với áp lực tăng vốn trong thời gian sắp tới để thực hiện Basel II. Các tiêu chuẩn này sẽ làm tăng tài sản có rủi ro của các ngân hàng do thay đổi trọng số rủi ro tín dụng, và áp dụng phí vốn cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Ước tính các ngân hàng Việt Nam cần 4,1 tỉ USD vốn bổ sung
Theo phân tích Fitch đã tiến hành vào cuối năm ngoái, ước tính các ngân hàng Việt Nam được Fitch xếp hạng sẽ cần 4,1 tỉ USD vốn bổ sung, trong đó 90% từ các ngân hàng quốc doanh.
Sự thiếu hụt vốn lớn của các NHTM Nhà nước phản ánh vị thế vốn thấp hơn và khả năng sinh lời yếu hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Tổng số vốn cần thiết có thể còn cao hơn nếu các ngân hàng tăng mức bảo hiểm cho vay lên 5% trên tổng dư nợ và trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), so với 1,6% vào cuối năm 2018, để giải quyết nợ xấu và trái phiếu đặc biệt của VAMC, Fitch nhận định.
Sự thiếu chiều sâu trong thị trường vốn trong nước và giới hạn sở hữu nước ngoài tiếp tục hạn chế khả năng tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, vốn được Fitch xem là hình thức hấp thụ vốn tốt nhất.
Việt Nam duy trì giới hạn sở hữu nước ngoài 30% đối với các ngân hàng TMCP và giới hạn 20% cho một nhà đầu tư nước ngoài được coi là có lợi ích chiến lược.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VietinBank đã ở mức giới hạn 30%, trong khi Vietcombank là 23%. Trừ khi giới hạn được dỡ bỏ, Fitch kỳ vọng các ngân hàng sẽ hát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để giúp đáp ứng tỷ lệ vốn pháp định tối thiểu.