|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed tiếp tục cấm các ngân hàng lớn mua lại cổ phiếu và hạn chế chia cổ tức trong quí IV

09:33 | 02/10/2020
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục gia hạn qui định cấm mua cổ phiếu quĩ và hạn chế chia cổ tức trong quí cuối năm của các ngân hàng lớn tại nước này nhằm đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống.
Fed tiếp tục trì hoãn việc mua lại cổ phiếu và chia cổ tức của các ngân hàng lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Balance).

Theo Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục kéo dài việc hạn chế chi trả cổ tức và cấm mua lại cổ phiếu quĩ của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho đến hết năm nay.

Qui định được áp dụng cho 33 ngân hàng có tổng tài sản trên 100 tỉ USD, khoảng 20 trong số đó là các ngân hàng Mỹ, những tổ chức thường mua lại cổ phiếu hàng quí, theo Financial Times. Còn lại là những tổ chức nước ngoài thường không thực hiện mua cổ phiếu quĩ nhưng bị ảnh hưởng bởi qui định hạn chế chi trả cổ tức.

Tin tức này có thể sẽ làm thất vọng một số ngân hàng như JPMorgan Chase & Co., vốn đã có ý định trong việc tiếp tục mua lại cổ phần.

Việc cấm mua cổ phiếu quĩ và hạn chế chia cổ tức đã được bắt đầu vào tháng 6. Đây là lần đầu tiên Fed có động thái này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2010 và sau khi kết quả sát hạch năng lực về vốn của hệ thống ngân hàng vào tháng 6 cho thấy các ngân hàng có nguy cơ bị thiệt hại lên tới 700 tỉ USD do đại dịch, theo FT.

Fed cho biết, qui định này được duy trì do sự bất ổn của nền kinh tế trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn và để bảo toàn vốn cho ngành ngân hàng.

Các ngân hàng trên phố Wall đang chuẩn bị cho vòng thứ hai của bài kiểm tra sức chịu đựng năm 2020, nguồn vốn đã được điều chỉnh phù hợp với những thiệt hại kinh tế mà Mỹ đã trải qua trong bối cảnh dịch bệnh. 

Ông Randal Quarles, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, cho biết các kì thi sẽ ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan về vấn đề cổ tức và mua lại cổ phần trong quí đầu tiên của năm 2021. Ông hi vọng kết quả sẽ đưa ngành ngân hàng trở lại "trật tự bình thường".

Lê Huy