|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

FED tăng lãi suất: Vốn ngoại có đảo và phanh?

22:02 | 16/03/2017
Chia sẻ
Ngày 15/3, một lần nữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD, lần thứ hai trong vòng ba tháng qua. Tác động đối với kinh tế Việt Nam là đáng chú ý.
Sau khi chính sách lãi suất của FED đã định hình rõ ràng hơn, từ cuối 2015 đến nay, về cơ bản các chính sách tiền tệ như về lãi suất và tỷ giá của Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Không như các sự kiện lớn, đột biến và bất thường để lập tức tạo ra xáo trộn mạnh trên thị trường Việt Nam, quyết định của FED đã được dự báo thời gian qua, có thể đã phản ánh dần trên thị trường, cũng như mức độ tăng lãi suất là các bước nhỏ.

Tuy nhiên, các bước tăng lãi suất của FED dồn lại qua từng quyết định, cả ở khả năng thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Trong khi đó, tại Việt Nam, trần lãi suất huy động USD hiện vẫn áp 0%/năm, chưa có bất kỳ thay đổi nào kể từ khi chính sách lãi suất của FED thay đổi rõ nét.

Lần này, điểm rất đáng chú ý, trong ngày đầu tiên đón sự kiện trên, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước lại giảm một bước mạnh, từ 22.262 VND hôm qua (15/3) xuống 22.252 VND.

Bước giảm trên có là ý chí chủ quan của nhà điều hành, nhằm phát tín hiệu bình ổn thị trường hoặc hạn chế tác động trên hay không? Từ khi ra đời vào đầu 2016 đến nay, cách tính tỷ giá trung tâm với các tham số cụ thể chưa từng được công bố.

Trên thị trường, đầu giờ sáng 16/3 (giờ Việt Nam), giá USD của các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm đáng kể. Giá bán ra có lúc xuống còn 22.800 VND, giảm 50-60 VND so với hôm qua.

Về lâu dài, tác động của việc FED liên tiếp tăng lãi suất cơ bản đồng USD, cũng như trước tình huống có thể tăng thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần trong năm 2018, đối với tỷ giá USD/VND như thế nào, rộng hơn là với kinh tế Việt Nam nói chung?

Như trên, đường đi chính sách lãi suất của FED đã được báo trước. Ở lần tăng ngày 14/12/2016, ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối và trái phiếu Ngân hàng HSBC Việt Nam đã phân tích: khi FED bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.

“Điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng VND của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít nên chúng ta không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực”, chuyên gia của HSBC Việt Nam nhận định tại thời điểm trên.

Cùng góc nhìn trên, trước thềm đợt tăng này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ trên trang cá nhân: “Lãi suất FED tăng và USD tăng sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư gián tiếp, tuy nhiên chỉ một số quỹ ETF sẽ bị phản ứng tiêu cực ngay, còn các quỹ nước ngoài khác khi đầu tư vào Việt Nam phần lớn ở dạng quỹ đóng nên không dễ để dịch chuyển dòng vốn”.

Mặt khác, theo ông Hưng, nhà đầu tư trực tiếp quan tâm tới lợi thế dài hạn của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và các lợi thế so sánh của Việt Nam với các khu vực khác, cũng như chiến lược lâu dài toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên cũng không ảnh hưởng nhiều.

Ở khía cạnh khác, trước tác động khiến tỷ giá tăng lên, hay đồng nội tệ giảm giá, thì xuất khẩu Việt Nam sẽ có lợi. Tuy nhiên, ngược lại, hoạt động vay nợ, nhất là các khoản vay của Chính phủ bằng USD, cùng với chi phí là lãi suất có áp lực tăng lên, sẽ chịu tác động bất lợi về chi phí, và điều này rõ hơn nếu tới đây Chính phủ muốn triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế...

Hay như nhận định chung của chuyên gia chứng khoán Quách Mạnh Hào trên trang cá nhân, rằng: “Thực ra thông điệp của FED là khá quan trọng bởi một sự tăng lãi suất xét ở từng mức tăng 0.25% là không đáng kể, nhưng nếu xét ở một khoảng thời gian dài hơn, nó có nghĩa là chu kỳ tiền rẻ đã chấm dứt”.

Cùng với những góc nhìn trên, một thực tế đáng ngại đã bắt đầu thể hiện trong năm 2016. Theo ước tính cơ bản qua các kênh công bố cuối 2016, lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam có năm sụt giảm và không đạt như kỳ vọng. Một nguyên nhân chính là do lãi suất USD bên ngoài đã hấp dẫn hơn. Trong một thập kỷ qua, kiều hồi về Việt Nam liên tục tăng, là nguồn ngoại tệ được so sánh với cả nguồn vốn FDI và ODA.

Nhìn lại, sau khi chính sách lãi suất của FED đã định hình rõ ràng hơn, từ cuối 2015 đến nay, về cơ bản các chính sách tiền tệ như về lãi suất và tỷ giá của Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi, dù nhiều chuyên gia lần lượt khuyến nghị xem xét lại chính sách trần lãi suất 0% đối với tiền gửi USD.

Minh Đức