|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn về 2025: Lạc quan nhưng thận trọng

08:30 | 08/11/2024
Chia sẻ
Đa số báo cáo phân tích vĩ mô mà tôi đọc được trong giai đoạn quý III/2024 đều đánh giá, tầm nhìn về 2025 là lạc quan một cách thận trọng. Điều đó được hình thành bởi 4 nhân tố chính: (1) lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục sụt giảm, (2) rủi ro địa chính trị sẽ kéo dài, (3) tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2025 sẽ chậm hơn 2024, và (4) rủi ro về thương chiến cũng như biến đổi khí hậu sẽ khiến căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng.

 

Tăng trưởng toàn cầu trong 2025 sẽ kém lạc quan hơn 2024 một chút

Theo báo cáo về các ngành kinh tế trong 2025 của Economist Intelligence Unit (EIU), tăng trưởng kinh tế thực toàn cầu trong 2025 sẽ thấp hơn 2024 ở một số đầu tàu kinh tế, bao gồm Mỹ và Ấn Độ, trong khi sẽ tiếp tục trì trệ ở Trung Quốc. Điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng thương mại toàn cầu, vốn dĩ đã có dấu hiệu trì trệ từ hai năm nay. 

Tuy nhiên, không quá đáng lo ngại vì một số nền kinh tế tăng trưởng chậm trong 2024 được cho là sẽ tăng trưởng tốt hơn, từ Đức cho đến Anh, Nhật Bản. Con số dự báo bình quân của EIU là khoảng 2,6% với sự bi quan hơn cho nhóm các nước phát triển. 

Trong khi đó, trong báo cáo mới nhất vào tháng 10/2024, IMF lạc quan hơn một chút với con số tăng trưởng, nhưng mẫu hình là tương tự: Năm 2025 sẽ tăng trưởng chậm hơn 2024 một chút. Nhìn chung kinh tế toàn cầu vẫn chưa quay lại được đà tăng trưởng trong thập kỷ trước COVID-19. 

Dù sao thì cũng có tin vui là khả năng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế cũng tăng cao hơn. Nói một cách khác là tốt xấu lẫn lộn. Rủi ro hạ cánh mềm tăng lên nhưng dự báo tăng trưởng tiếp tục ở mức thấp của mấy thập kỷ. Trong bối cảnh dân số già hóa ở nhiều nền kinh tế tăng trưởng cao, bao gồm Trung Quốc và một số nước ASEAN, thương mại toàn cầu đình trệ và bất ổn địa chính trị gia tăng, đây đã là một kịch bản tốt. 

Dự báo tăng trưởng kinh tế thực 2025 của một số nền kinh tế sẽ chậm hơn 2024 một chút. (Nguồn: EIU).

Lạm phát tiếp tục giảm mở đường cho lãi suất giảm nhiều hơn

Nếu có một điểm sáng phải nhấn mạnh trong 2025, thì đó là sự đi xuống đồng thời của lãi suất và lạm phát. Với xu thế đang diễn ra tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Anh, Canada và Australia, có thể nhận định lạm phát đang “nguội” đi đáng kể và đang “đi đúng đường” mà các ngân hàng trung ương mong muốn. Điều này tạo điều kiện cho lạm phát đi về mục tiêu của các ngân hàng trung ương các nước này, cho phép họ hạ lãi suất tiếp trong 2025. 

Với dự báo là hầu hết giá hàng hóa sẽ hạ trong 2025, bao gồm dầu thô và lương thực, ngoại trừ hàng hóa thô làm đầu vào sản xuất công nghiệp có thể tăng nhẹ, thì đây là một môi trường vĩ mô lý tưởng không chỉ cho các ngân hàng trung ương mà còn cho các chính phủ nói chung, vì sức ép lên tiền lương cũng như sức mua của người dân sẽ được gỡ bỏ. Điều đó ít nhiều sẽ giúp cho sức mua bán lẻ khôi phục.

Hầu hết các loại hàng hóa thô được dự báo sẽ giảm giá ngoại trừ nhóm đầu vào cho sản xuất công nghiệp. (Nguồn: EIU).

Mặt bằng chung lãi suất đi xuống có thể ít nhiều tạo sức ép lên các ngân hàng trong ngắn hạn khi họ không thể duy trì biên lãi vay (NIM) quá cao nữa nhưng cũng tạo thuận lợi trong việc giảm sức ép lãi vay cho doanh nghiệp. Về trung và dài hạn, điều này còn giúp ngân hàng có thể giảm được trích lập dự phòng nợ xấu khi doanh nghiệp có thể gia tăng năng lực trả nợ và tái cơ cấu các khoản vay. 

Rủi ro với kịch bản này là bất ổn trong địa chính trị và biến đổi bất thường của khí hậu có thể gây ra đứt gãy cung ứng nguồn cung và mất mùa, điều đã xuất hiện trong năm 2024, làm cho lạm phát biến động phức tạp trong một giai đoạn của quý II. 

Ngoài ra, với việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ (điều mà vẫn là ẩn số vào thời điểm bài viết này hoàn thành), thì thương chiến cũng có thể tạo ra tình trạng phân mảnh trong thị trường thương mại toàn cầu, khiến giá cả sẽ tăng lên ở một số nước do áp lực tăng thuế quan trên diện rộng. Nếu ứng viên đảng Dân Chủ là bà Kamala Harris chiến thắng, thì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng có thể không leo thang thành thương chiến diện rộng như vậy.

Ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế và các ngành đầu tư

Nhìn chung, diễn biến về lãi suất và biến động địa chính trị như dự báo trên khiến dòng vốn tập trung vào những nước sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, đã là những nước hưởng lợi trong 2024 và được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi trong 2025. 

Lạm phát toàn cầu đi xuống cũng tạo thuận lợi cho sức mua của người dân các nước trong nền kinh tế ASEAN. Vì vậy, những ngành kinh doanh dựa vào tiêu dùng bán lẻ, xuất khẩu và ngân hàng dự kiến sẽ có những thuận lợi nhất định so với đầu 2024. Trong khi đó ngành dầu khí sẽ có những thách thức nhất định so với 2024 nếu giá dầu đi xuống như dự báo, đặc biệt nếu ứng viên của đảng Dân Chủ Kamala Harris trở thành Tổng thống Mỹ và thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi xanh. Trong bối cảnh đó, những lĩnh vực trong ngành năng lượng sạch, hỗ trợ chuyển đổi xanh và xe điện sẽ có những thuận lợi hơn. 

Đầu tư vào AI cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 nhưng đa số chính phủ đều đang có lộ trình pháp lý tương ứng với lĩnh vực này, bên cạnh những áp lực do các vụ kiện độc quyền với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ. Do đó, năm 2025 có thể là một năm thách thức về mặt pháp lý cho các công ty công nghệ. 

Đối với dòng vốn vào thị trường mới nổi, bất ngờ vào phút chót (“last-minute surprise”) với các gói kích thích nền kinh tế ở Trung Quốc cùng với quyết định cắt lãi suất 0,5% của Fed đã góp phần mang lại hi vọng cho dòng vốn quốc tế vào các thị trường mới nổi trong các tháng cuối 2024 và đầu 2025. Dù sao thì dòng vốn này cũng trong trạng thái mong manh trong 2024. “Bất ngờ” tại Trung Quốc đã góp phần khiến cho khu vực mới nổi ở Châu Á trở nên hấp dẫn vượt trội về suất sinh lợi so với đầu tư vào các thị trường mới nổi khác.

Tỷ suất sinh lợi đầu tư vào các thị trường mới nổi trong ba quý đầu 2024. (Nguồn: MSCI).

Tuy nhiên, thương chiến sẽ là nỗi lo thường trực cho nhóm các nước Châu Á khi mà Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, và Việt Nam đều đã ít nhiều xuất hiện trong các báo cáo về thương mại với Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Lá bài về các quốc gia thao túng tiền tệ có thể được sử dụng trở lại. Vào tháng 12/2020, chính quyền ông Trump đã gắn mác Thụy S và Việt Nam là những nước thao túng tiền tệ và thêm Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan vào danh sách giám sát. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Singapore và Malaysia cũng có tên trong danh sách này.

Điều này gây ít nhiều bất định trong các chính sách thương mại và đầu tư của những nước có tên trong danh sách trong những năm sau đó. Dòng vốn quốc tế cũng sẽ chú ý đến vấn đề này. Vì vậy, ảnh hưởng của bầu cử Mỹ đến dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi trong 2025 là không thể xem thường.

Đó là lý do tôi chọn lạc quan một cách thận trọng đối với triển vọng đầu tư 2025 đối với các thị trường mới nổi trong 2025. 

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh

 

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.