|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư theo phương pháp cơ bản cần chú ý những yếu tố nào?

11:00 | 07/11/2024
Chia sẻ
Phân tích cơ bản là một trong những phương pháp phân tích đầu tư được sử dụng phổ biến trong chứng khoán. Với những phân tích cơ bản, các nhà đầu tư có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn đầu tư phù hợp, có hướng đầu tư an toàn trong tương lai.

Chia sẻ trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025 - VIF 2025), bà Ngô Thị Lệ Thanh, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết phân tích cơ bản là phương pháp đo lường giá trị nội tại của doanh nghiệp dựa trên các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu từ vĩ mô đến vi mô như tình kinh tế trong nước và kinh tế thế giới, tình hình ngành, các chính sách của Nhà nước hay hiệu quả hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Mục đích của phân tích cơ bản là giúp nhà đầu tư hiểu được bản chất hoạt động kinh doanh của công ty, tìm được cổ phiếu tốt để đầu tư cũng như dự đoán được giá của cổ phiếu từ đó so sánh với giá thị trường và kỳ vọng của bản thân để có thể đánh giá xem liệu chứng khoán đó có phù hợp để quyết định đầu tư.

- Những yếu tố nào trong phân tích cơ bản là quan trọng nhất khi đánh giá một doanh nghiệp, thưa bà? có thể chia sẻ các chỉ số tài chính nào thường được chú ý nhất khi phân tích sức khỏe tài chính của doanh nghiệp?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Có nhiều yếu tố để đánh giá một doanh nghiệp. Việc xác định yếu tố nào là quan trọng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu phân tích, mô hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và đặc thù riêng của từng doanh nghiệp.

Bà Ngô Thị Lê Thanh. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên nhìn chung, các chỉ số tài chính sau sẽ thường được dùng để phân tích sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Thứ nhất là nhóm các chỉ số để hiệu quả sử dụng vốn như ROA, ROE, ROS; các hệ số về vòng quay hàng tồn kho, phải thu. Tiếp theo là các chỉ số về khả năng thanh toán, các chỉ tiêu về đòn bẩy tài chính như hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng là điều nhà đầu tư cần lưu ý.

Tuy nhiên, những chỉ số trên cho ta cái nhìn tổng quan ban đầu, để hiểu sâu hơn về bản chất, chung ta cần phải phân tích kỹ hơn vào cấu phần của doanh thu để đánh giá sự bền vững trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ví dụ như cơ cấu doanh thu như thế nào, có đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không, hay từ các hoạt động không bền vững, bất thường.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đi sâu vào chi tiết các khoản mục trong bảng cân đối tài sản để đánh giá chất lượng tài sản như thế nào.

- Bà có thể chia sẻ cách đánh giá chất lượng tài sản của một doanh nghiệp? Làm thế nào để phân biệt được giữa tăng trưởng tài sản lành mạnh và tăng trưởng tài sản tiềm ẩn rủi ro?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Đánh giá chất lượng tài sản của một doanh nghiệp, tôi thường quan tâm xem xét những vấn đề sau. Thứ nhất là tính thanh khoản của tài sản, tức là tốc độ tài sản được thành tiền và mức độ chắc chắn của việc chuyển hóa đó. Thứ hai việc phân bổ tài sản dài hạn, ngắn hạn có phù hợp với chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không.

Thứ ba là doanh nghiệp có đủ tài sản cần thiết để hoạt động thành công hay không. Muốn trả lời được câu hỏi đó thì phải đi phân tích chi tiết các khoản mục trong bảng cân đối kế toán.

Ví dụ như tiền thì đang ở đâu, có bị phong tỏa không, các khoản phải thu thời hạn ra sao, có khoản nào không thể thu hồi không, có tập trung vào một số ít khách hàng không, dự phòng nợ khó đòi ra sao… Nếu một doanh nghiệp được đánh giá chất lượng tài sản không tốt thì việc tăng trưởng tài sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khi đánh giá, tôi thường nhìn sâu vào thuyết minh báo cáo tài chính, diễn biến ít nhất 3-5 năm gần đây xem các khoản mục hình thành từ đâu, như thế nào. Những báo cáo tài chính mà không thuyết minh rõ ràng cũng cần có sự quan ngại nhất định.

Một số trường hợp doanh nghiệp có hệ số nợ cao, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì dòng tiền đủ thì vẫn hoạt động được. Tuy nhiên, sự bền vững cần được xem xét khi trường hợp xảy ra những biến cố về nguồn vốn, có thể dẫn đến vỡ nợ hay phá sản. Điều này cũng đưa đến việc chúng ta phải đánh giá chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp có hoạt động thực chất không.

- Yếu tố quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đầu tư? Có cách nào để đánh giá hiệu quả quản trị trong một doanh nghiệp?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Vấn đề quản trị doanh nghiệp ngày càng được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn. Để đánh giá hiệu quả quản trị của doanh nghiệp đầu tiên cần xem chiến lược hoạt động kinh doanh như thế nào, có rõ ràng, cụ thể không, đồng thời trong quá khứ công ty đã thực hiện kế hoạch của mình như thế nào.

Thứ hai là việc kiểm soát hoạt động tài chính, kiểm soát các chi phí ra sao. Thứ ba là phân bổ nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành có đầy đủ và hợp lý không. Thứ tư là hoạt động quản trị kiểm soát chất lượng sản phẩm có được ưu tiên. Thêm nữa là công ty có các chính sách, quy trình quản trị rủi ro không.

- Các yếu tố ESG đang ngày càng quan trọng trong đầu tư. Theo bà, làm thế nào để tích hợp các yếu tố này vào quá trình thẩm định doanh nghiệp?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Với sự phát triển của ESG gần đây thì các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có độ cẩn trọng cao, đã quan tâm hơn đến các yếu tố phi tài chính liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để tích hợp yếu tố ESG vào vấn đề thẩm định doanh nghiệp?

Thứ nhất, chúng ta phải xác định và đánh giá được các tiêu chí ESG cho doanh nghiệp cần thẩm định, mỗi doanh nghiệp có thể sẽ có những tiêu chí quan trọng cho doanh nghiệp đó khác nhau.

Thứ hai, các tiêu chí ESG đó ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà chúng ta cần thẩm định, nó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp cho doanh nghiệp như thế nào.

Theo tôi, các doanh nghiệp có hồ sơ ESG mạnh thì sẽ thu hút khách hàng nhiều hơn, có lợi thế cạnh tranh cao hơn trên thị trường, nhờ đó doanh nghiệp có thu được doanh thu và lợi nhuận tốt hơn, điều này sẽ hỗ trợ cho kết quả dự phóng và định giá doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng ESG sẽ có phương pháp quản trị doanh nghiệp tốt hơn, hạn chế được rủi ro hệ thống, điều này cũng khiến giá trị định giá doanh nghiệp tốt hơn, cũng như được nhà đầu tư yêu thích hơn ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.

- TTCK là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, như qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, thay vì thông thường là qua kênh ngân hàng. Chỉ có số ít đơn vị trên sàn có thể huy động vốn lớn từ các kênh khác như trái phiếu, phát hành cho các đối tác nước ngoài. Là một người từ mảng ngân hàng sau đó chuyển sang chứng khoán, theo bà dự báo, liệu có sự thay đổi nào đối với cơ cấu này trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong giai đoạn mới?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Theo tôi được biết, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng ở mức khoảng 12,53 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán (TTCK) ước đạt hơn 181.000 tỷ đồng, trong đó huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua chào bán cổ phiếu gần 19.000 tỷ đồng; huy động vốn thông qua chào bán trái phiếu doanh nghiệp gần 6.000 tỷ đồng. Có thể thấy rằng con số huy động trên TTCK, đặc biệt là thông qua phát hành trái phiếu đang khá là khiêm tốn

Trước đây, mỗi khi cần huy động thêm vốn doanh nghiệp sẽ nghĩ đến ngân hàng đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay TTCK Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tôi nghĩ thời gian tới, cơ cấu thị trường vốn sẽ theo hướng giảm dần sự chênh lệch giữa các kênh. Nhu cầu vốn dài hạn doanh nghiệp sẽ được huy động nhiều hơn trên thị trường chứng khoán, và các ngân hàng thương mại sẽ đáp ứng phần lớn là các nhu cầu vốn ngắn hạn.

Những năm trước vào thời điểm 2019-2021, cũng có giai đoạn thị trường trái phiếu được kỳ vọng phát triển nhanh. Tuy nhiên thị trường đã xuất hiện những rủi ro dẫn đến tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn còn tương đối thận trọng. Doanh nghiệp các ngành như bất động sản, năng lượng muốn huy động vốn cũng đã gặp không ít khó khăn.

Chính phủ, cơ quan quản lý thời gian qua đã có những chính sách làm lành mạnh hóa thị trường, qua đó giúp nhà đầu tư yên tâm hơn với trái phiếu doanh nghiệp.

- Thông tin đầu vào rất quan trọng trong phân tích. Theo bà, nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận các thông tin như thế nào để đưa ra các quyết định sáng suốt?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Thời đại hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin để nhà đầu tư có thể tham khảo, tiếp cận. Tuy nhiên chất lượng thông tin đầu vào rất quan trọng, một báo cáo tài chính không trung thực rõ ràng ảnh hưởng đến kết quả phân tích, định giá.

Một số nguồn thông tin nhà đầu tư có thể tham khảo như: Thông tin từ các kênh chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, bản cáo bạch của doanh nghiệp, thông tin từ phương tiện truyền thông, cộng đồng đầu tư.

Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có kiến thức chuyên môn về tài chính nên có thể nhiều nhà đầu tư cá nhân gặp nhiều khó khăn khi phân tích doanh nghiệp. Thông tin từ báo cáo nghiên cứu phân tích của các công ty chứng khoán cũng là một kênh mà nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận.

Ví dụ như Trung tâm Phân tích của TPS luôn bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường sát sao, theo dõi thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, có những buổi tiếp xúc với doanh nghiệp sẽ có thông tin đa dạng. Nhà đầu tư có thể tham khảo nguồn từ các phân tích này để tổng hợp, đánh giá, so sánh, rồi đưa ra quyết định đầu tư cho mình.

- Đâu là những lĩnh vực có khả năng phục hồi hoặc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Ngô Thị Lệ Thanh: Năm 2025-2027 sẽ chứng kiến sự phục hồi nền kinh tế và dòng vốn ngoại gia tăng khi Việt Nam có thể được nâng hạng. Ngoài ra, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, một số chủ đề đầu tư có thể xem xét như sau.

Thứ nhất là ngân hàng. Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới đang trong tiến trình cắt giảm lãi suất. Lãi suất của VN có dư địa để ổn định ở mức thấp giúp cho ngành Ngân hàng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Đây cũng là ngành thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trên thị trường

Thứ hai là ngành tiêu dùng. Sau giai đoạn COVID-19, khó khăn kinh tế, tiêu dùng dự kiến hồi phục khả quan.

Thứ ba là công nghệ thông tin. Với xu hướng số hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ thông tin là ngành có nhiều dư địa tăng trưởng.

Thứ 4, trong xu hướng mở rộng FDI, ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ có tác động tích cực.

Với công ty chứng khoán, nhóm này đang được nhà đầu tư quan tâm với kỳ vọng nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Theo tôi, để đánh giá một công ty chứng khoán, đầu tiên chúng ta cần xem xét yếu tố nguồn vốn. Đơn vị nào sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, lãi suất đầu vào thấp thì có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn trong hoạt động cho vay margin.

Tiếp theo là hiệu quả kinh doanh của từng mảng hoạt động, vị thế của công ty chứng khoán đó trên thị trường. Bên cạnh đó cần xem xét khả năng kiểm soát rủi ro cho vay, chất lượng danh mục cho vay ra sao. Với tự doanh, nhà đầu tư cần đánh giá khả năng sinh lời của danh mục đầu tư có ổn và đem lại lợi nhuận bền vững cho công ty chứng khoán hay không...

Cám ơn chuyên gia trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa