|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025: Triển vọng thị trường trước thềm nâng hạng dưới góc nhìn của chuyên gia Dragon Capital

13:32 | 06/11/2024
Chia sẻ
Nhìn về 2025, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng nhà đầu tư nội cần chuẩn bị cho sự biến động do sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà đầu tư quốc tế, nhưng cũng có nguy cơ dễ bị tác động mạnh bởi các biến động trên thị trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường có thể biến động lớn hơn.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tại GEM Center, TP HCM. 

Trước thềm sự kiện, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối Đầu tư của Dragon Capital Việt Nam xoay quanh câu chuyện bối cảnh và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 trước thềm nâng hạng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam xoay quanh vùng 1.200 - 1.300 điểm trong phần lớn thời gian của năm 2024. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến này?

Ông Lê Anh Tuấn: Duy trì trong vùng điểm 1.200 - 1.300 của VN-Index phần lớn năm 2024 là điều có thể hiểu được, bởi vì mức tăng trưởng của thị trường luôn đi liền với hiệu quả về lợi nhuận của doanh nghiệp.

Có nhiều yếu tố khác cũng cản trở đà bứt phá của thị trường. Thứ nhất, tình hình kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng chậm lại và chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã làm tăng giá USD, gây áp lực lên đồng VNĐ và ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại.

Từ đầu năm 2024, các quỹ ngoại đã bán ròng hơn 3 tỷ USD, trong đó một phần nguyên nhân đến từ sự giảm dần về lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, mặc dù đã có nhiều cải tiến, đột phá trong việc sửa đổi nghị định, để áp dụng cơ chế Pre-funding, tuy nhiên, thị trường vẫn cần chờ xem thực tế triển khai, để củng cố kỳ vọng nâng hạng hoặc thu hút thêm dòng vốn mới.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang trải qua năm bầu cử 2024, đặc biệt là ở Mỹ, với rất nhiều các chính sách có thể thay đổi trong vài năm tới, nên tâm lý đầu tư vẫn là thận trọng và chờ đợi kết quả bầu cử trước khi giải ngân.

Những yếu tố này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang phản ánh đúng bối cảnh kinh tế vĩ mô và các áp lực bên ngoài và vẫn cần có động lực mạnh để vượt ra khỏi vùng điểm hiện tại.

Nhìn về năm 2025, ở góc độ của một nhà quản lý quỹ, ông kỳ vọng lớn nhất vào yếu tố nào của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Lê Anh Tuấn: Nhìn về năm 2025, yếu tố được kỳ vọng nhất chính là lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, cùng xu hướng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 7% và lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng 15-18%. Đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng, giúp khôi phục niềm tin vào tiềm năng dài hạn của thị trường.

Ngoài ra, triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE cũng sẽ rất được kỳ vọng vào cuối năm 2025. Dự báo dòng vốn vào thị trường nếu đạt được nâng hạng có thể lên tới 1,7 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa kể các quỹ chủ động, khi các quỹ này thường có lượng tài sản gấp 5 lần quỹ ETF​.

 

Việt Nam đang tiến gần hơn với câu chuyện nâng hạng, ông cho rằng trước thềm ra biển lớn sẽ tạo ra cơ hội và thách thức nào cho nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam?

Ông Lê Anh Tuấn: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức mới nổi sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các nhà đầu tư.

Về cơ hội, các nhà đầu tư ngoài nước sẽ có nhiều khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam khi các yêu cầu pháp lý như quy định "không yêu cầu tiền đặt trước" (Non Pre-funding Solution) và công bố thông tin bằng tiếng Anh được triển khai​.

Đồng thời, việc triển khai Non-prefunding cũng có thể sẽ gia tăng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài và thanh khoản cho thị trường. Điều này sẽ giúp thị trường thu hút được dòng vốn lớn từ các quỹ ngoại, giảm thiểu tình trạng bán ròng như năm 2024.

Các nhà đầu tư nội địa cần chuẩn bị cho sự biến động do sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà đầu tư quốc tế, nhưng cũng có nguy cơ dễ bị tác động mạnh bởi các biến động trên thị trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường có thể biến động lớn hơn.

Yếu tố vĩ mô nào ông đánh giá là kỳ vọng và lo ngại nhất về thị trường?

Ông Lê Anh Tuấn: Các yếu tố vĩ mô trong nước đang ổn định và có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng các yếu tố bên ngoài đang có nhiều biến số. Tôi nghĩ rằng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới sẽ là ẩn số lớn nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu trong vài năm tới, bởi có thể làm tăng độ biến động của thị trường.

Việc doanh nghiệp lớn tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng hóa chất lượng, độ lệch lớn với những nhóm cổ phiếu kinh điển của thế giới (công nghệ, bán dẫn, AI, công nghệ sinh học, dược phẩm), ông nghĩ sao về điều này và theo ông giải pháp nào để xử lý?

Ông Lê Anh Tuấn: Các ngành truyền thống như tài chính, bất động sản và tiêu dùng chiếm tỷ trọng gần 67% trong VN-Index, trong khi các lĩnh vực như công nghệ, sinh học và AI lại rất hạn chế. Trong cơ cấu tỷ trọng của VN - Index hiện tại, gần 40% vốn hóa thị trường là ngân hàng, 25% là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Thực tế, việc thiếu cổ phiếu công nghệ cao và các ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn là thách thức chung của tất cả các nền kinh tế cận biên hoặc mới nổi, nhóm thị trường mà ngành ngân hàng và bất động sản vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Chỉ ở các thị trường đã trưởng thành với các nền kinh tế phát triển, công nghệ, bán dẫn, AI, công nghệ sinh học và dược phẩm mới bứt phá, chiếm tỷ trọng cao trong thị trường chứng khoán. Đây là vấn đề dài hạn, phụ thuộc vào bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Hiện tại, nền kinh tế cũng đang lấy lại đà tăng trưởng và Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực trong các chính sách để hỗ trợ và thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ, sinh học và AI.

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục hỗ trợ nhóm ngành này, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thêm vào việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể có những doanh nghiệp ở các lĩnh vực mới, chiếm tỷ trọng cao trong thị trường chứng khoán và tăng lượng hàng hóa trên sàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Kiều