|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Chiến lược đầu tư dài hạn trong bối cảnh mới

14:00 | 06/11/2024
Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4 năm nay và trong năm sau 2025. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực sản xuất và dịch vụ là hai động lực tăng trưởng chính khi xuất khẩu và ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) tham gia đối thoại tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Ảnh: Vietnam Investment Forum).

Tiêu dùng nội địa đã phục hồi nhưng khá chậm khi doanh số bán lẻ theo giá cố định trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 5,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7,6% trong năm trước. Tuy nhiên, về tổng thể, triển vọng là tích cực. Chính phủ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là khi lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

Áp lực tỷ giá gia tăng trở lại trong tháng 10 sau khi dữ liệu vĩ mô ở Mỹ cho thấy lạm phát đã giảm tốc nhưng còn dai dẳng trong khi thị trường lao động có suy yếu nhưng vẫn ổn định. Tuy nhiên, khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ thị trường lao động, một trong hai mục tiêu kép của tổ chức này, vì kinh tế Mỹ vẫn trong giai đoạn thắt chặt với mức lãi suất hiện nay (4,75%-5,0%). Bên cạnh đó, tỷ giá trong nước còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư thương mại.

Lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp nhưng có thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới khi tăng trưởng tín dụng đạt mức cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay dự kiến sẽ không tăng đáng kể do các ngân hàng thương mại đã và đang đưa ra mức lãi suất cho vay hấp dẫn để thu hút khách hàng tốt. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự phục hồi của khu vực sản xuất công nghiệp sẽ giúp người dân lạc quan hơn về triển vọng việc làm và thu nhập và từ đó tự tin hơn trong các quyết định tiêu dùng.

Xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia có giá trị xuất khẩu lớn trên GDP như Việt Nam. Triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới vẫn rất khả quan mặc dù mức tăng trưởng có thể không cao như trong 9 tháng đầu năm do yếu tố nền so sánh thấp không còn.

Trên toàn cầu, việc Fed cắt giảm lãi suất đã dỡ bỏ đáng kể áp lực tỷ giá ở nhiều quốc gia và từ đó tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương duy trì hoặc đưa ra các biện pháp kích thích để hỗ trợ kinh tế trong nước. Nổi bật nhất là việc chính phủ Trung Quốc công bố các gói kích thích kinh tế quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ và thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và tháng 9, tổng cộng 50 điểm cơ bản, do áp lực lạm phát suy giảm trong khi tăng trưởng kinh tế ở khu vực này chững lại.

Tóm lại, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng sẽ giúp triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới trở nên tích cực hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, vẫn rất mạnh mẽ và các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra giá trị xuất khẩu mới cho Việt Nam.

Một điều quan trọng cần ghi nhận là Chính phủ vẫn rất kiên định thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và chiến lược này sẽ giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn nước ngoài. Mới gần đây, Chính phủ đã đề xuất kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 tăng 18% so với kế hoạch năm 2024.

Điều kiện vĩ mô hiện nay là thuận lợi cho kênh đầu tư cổ phiếu. Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi. Cụ thể, theo tổng hợp dự báo của thị trường, lợi nhuận của các công ty trong chỉ số VN-Index sẽ tăng 23,0% so với cùng kỳ vào năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% so với cùng kỳ vào năm 2025. Định giá cổ phiếu vì thế sẽ trở nên hấp dẫn hơn với hệ số P/E dự phóng năm 2024 của chỉ số VN-Index là 11,9 lần, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trung vị trong 10 năm qua là 15,8 lần.

Triển vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng vào năm 2025 là một yếu tố tích cực khác. Thị trường kỳ vọng tổ chức FTSE sẽ nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2025 sau khi yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch được gỡ bỏ.

Hiện nay, các quỹ đầu tư chỉ số mà dùng chỉ số thị trường mới nổi FTSE làm chỉ số tham chiếu có quy mô tổng tài sản khoảng 100 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi thị trường chứng khoán Việt Nam được phân bổ một tỷ trọng nhỏ (Philippines có tỷ trọng 1,05% tại ngày 30/09/2024) thì sẽ có một lượng vốn đáng kể được đầu tư vào Việt Nam. Một điều nhà đầu tư cần lưu ý là doanh nghiệp cần thời gian để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận mà thị trường kỳ vọng và điều đó đồng nghĩa với việc thị trường có thể cần có thời gian để tích lũy.

Về cơ hội đầu tư, đầu tiên là với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi tin rằng triển vọng kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ tích cực hơn khi nhu cầu tín dụng được dự báo tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Trong các cuộc họp gần đây, một số ngân hàng tự tin sẽ đạt hoặc thậm chí vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2024 mà NHNN giao từ đầu năm và tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cho năm sau.

Kinh tế hồi phục cũng sẽ giúp các ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản cũng như đẩy nhanh quá trình xử lý bán bất động sản là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã trích lập. Nhiều cổ phiều ngân hàng vẫn ở vùng giá hấp dẫn so với định giá trong quá khứ cũng như theo kết quả định giá của chúng tôi.

Cũng trong ngành tài chính, chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở một số công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có thị phần lớn trong phân khúc nhà đầu tư nước ngoài vì triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán đã trở nên rõ ràng hơn. Các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là FPT vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2025.

Nhưng sau khi đạt mức tăng giá rất ấn tượng trong thời gian vừa qua, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn cổ phiếu FPT cần thời gian tích lũy. Tuy nhiên, FPT vẫn là công ty chúng tôi ưa thích và tiếp tục nắm giữ cho mục tiêu đầu tư dài hạn vì chúng tôi tin rằng FPT có đủ tiềm lực để duy trì tăng trưởng cao một cách bền vững trong nhiều năm tiếp theo.

Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng đang là lựa chọn của VCBF vì chúng tôi tin rằng triển vọng kinh doanh của các công ty trong ngành này sẽ tích cực hơn theo đà hồi phục của nền kinh tế. Nhìn xa hơn, các doanh nghiệp có lợi thế vững mạnh trong ngành này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng thu nhập và chi tiêu trong trung và dài hạn ở Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt ưa thích các công ty bán lẻ mà có khả năng lấy thêm thị phần và các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử.

Cũng với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi kỳ vọng xu hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam sẽ duy trì và các công ty bất động sản công nghiệp cũng như các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực như dịch vụ tiện ích và kho vận sẽ được hưởng lợi. Định giá của nhiều doanh nghiệp trong các nhóm này vẫn rất hấp dẫn theo tính toán của chúng tôi.

Lịch sử thị trường chứng khoán đã chứng minh chất lượng doanh nghiệp và định giá cổ phiếu là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả đầu tư. Điều này lý giải vì sao VCBF kiên định với phương pháp đầu tư dựa vào lựa chọn cổ phiếu.

Đội ngũ đầu tư của chúng tôi tiếp tục phân tích và định giá kỹ lưỡng từng công ty để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng nhằm xây dựng danh mục đầu tư đa dạng bao gồm các công ty tốt ở các mức định giá hợp lý. Chúng tôi tin rằng chiến lược đầu tư này sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận đã điều chỉnh rủi ro hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong dài hạn.

Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)