Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán năm 2025
Theo thống kê 20 năm của thị trường, trong các năm thị trường hồi phục sau downtrend lớn, VN-Index có hiệu suất tương đối tốt với đặc thù là trạng thái sideways trong các biên độ rộng của chỉ số chiếm phần lớn thời gian, đây cũng là trạng thái đang diễn ra và khiến nhà đầu tư “khó chịu” trong năm nay.
Với góc nhìn trung hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm phục hồi thứ 2 sau suy giảm mạnh năm 2022, tương ứng với chu kỳ phục hồi kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường chứng khoán năm 2025 được kỳ vọng có nhiều tăng trưởng nhờ vào (1) kỳ vọng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ đảo chiều (2) kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ hơn và lan tỏa sang các cấu phần kinh tế nội địa (3) câu chuyện nâng hạng và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Môi trường vĩ mô toàn cầu 2025 đang tiếp tục ủng hộ các lớp tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu niêm yết
Với các dữ liệu kinh tế công bố đến tháng 10, các kịch bản kinh tế 2025 đang được dự báo theo hướng tốt lên. Theo đó, xác suất xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới chỉ ở mức 30% (Bloomberg Consensus - tháng 10/2024), giảm mạnh so với đỉnh điểm nửa đầu 2023. Triển vọng kinh tế 2025 được dự báo tương đối tích cực với mức tăng trưởng 3,2%, tương đương 2024 (theo Báo cáo WEO tháng 10/2024 của IMF) với lạm phát tiếp tục xu hướng hạ nhiệt.
Chính sách tiền tệ toàn cầu chính thức đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng diễn ra trên diện rộng với hơn 70% số lượng ngân hàng trung ương lớn bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ (theo Bank of America). Trong đó, Fed đã bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9 với dự báo hạ lãi suất với tốc độ tương đối chậm và tiến dần về mức lãi suất trung lập (neutral) cuối 2026 (theo Fed Economic Projection 9/2024).
Với các triển vọng trên, thị trường chứng khoán (cổ phiếu) toàn cầu tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền. Xu hướng hạ lãi suất của Fed giúp rủi ro ở các thị trường mới nổi (EM) và Châu Á (bao gồm Việt Nam) giảm và được kỳ vọng sẽ là các thị trường thu hút dòng tiền trở lại từ năm 2025 sau một khoản thời gian dài bị rút ròng.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 được kỳ vọng với sự tăng trưởng của các cấu phần kinh tế nội địa và các rủi ro lớn của nền kinh tế được giải tỏa
Theo mục tiêu của Chính phủ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,8%-7,0% trong cả năm 2024, và tiếp tục có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%-7,0% năm 2025. Các dự báo kinh tế của WB hay IMF tháng 10/2024 có mức thận trọng hơn quanh 6,1%-6,5% nhưng nhìn chung mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đều trên mức trung bình 6,0% và thuộc nhóm tăng trưởng cao trên thế giới.
Với nền thấp của 2023, các cấu phần sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục và tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 dẫn dắt sự phục hồi của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa, 2 cấu phần kinh tế quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán chưa có sự hồi phục vững chắc trong 3 quý đầu năm 2024. Điều này cũng là một phần quan trọng khiến chỉ số chứng khoán tăng trưởng chưa thật sự bùng nổ trong năm nay.
Giai đoạn cuối 2024 và cả năm 2025 được kỳ vọng chứng kiến sự phục hồi của 2 cấu phần nội địa này nhờ sự lan tỏa từ sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và thị trường việc làm tốt lên. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư từ bất động sản, hạ tầng, năng lượng kỳ vọng thúc đẩy sự phục hồi của đầu tư tư nhân trong năm 2025.
Nhìn chung, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 được kỳ vọng lớn hơn ở các cấu phần tiêu dùng và đầu tư tư nhân, chất xúc tác “thật sự” của thị trường chứng khoán. Việc Chính phủ tập trung hoàn thiện pháp lý và giải quyết các “điểm nghẽn” trong nhiều lĩnh vực quan trọng cũng giúp rủi ro của nền kinh tế giảm đi từ năm 2025.
Kịch bản nào cho VNIndex trong năm 2025?
Trong bối cảnh vĩ mô trên và câu chuyện riêng, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng tích cực dựa trên 3 yếu tố then chốt sau:
Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận cao và đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo Vinacapital, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên VNINDEX năm 2025 ước đạt 23,2%, cao hơn mức 18,30% trong năm 2024. Nếu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 một phần bị ảnh hưởng bởi thu nhập bất thường, chủ yếu đến từ hoạt động tài chính thì tăng trưởng năm 2025 sẽ chủ yếu đến từ lợi nhuận cốt lõi sau khi hoạt động kinh doanh hồi phục thật chất hơn.
Do đó, với nền tảng tăng trưởng lợi nhuận cao và chất lượng hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là kênh đầu tư rất hấp dẫn với định giá P/E forward của VNIndex đến cuối năm 2025 ở mức 9,95 lần (theo Bloomberg ngày 28/10/2024), chiết khấu 36% so với trung bình 15,54 lần (tính từ 2016 đến hết 25/10/2024.
Thứ hai, các rủi ro vĩ mô trong nước và thị trường giảm bớt. Kinh tế Việt Nam 2025 tiếp tục tăng trưởng và lan tỏa và quan trọng hơn là giải quyết các điểm nghẽn về pháp lý giúp cho rủi ro trên thị trường giảm đi đáng kể.
Trong đó, pháp lý dự án bất động sản đang được tập trung xử lý ở cả cấp Trung ương và địa phương sẽ giúp rủi ro các doanh nghiệp bất động sản giảm đi và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng cải thiện. Nếu định giá thị trường năm 2024 ở mức thấp do rủi ro 2 nhóm ngành ngân hàng và bất động sản lớn thì các nhóm ngành lớn này có khả năng cao được tái định giá (re-rate) sau khi rủi ro giảm đi đáng kể, qua đó giúp giảm rủi ro chung của thị trường chứng khoán và định giá chung toàn thị trường xứng đáng mức cao hơn.
Thứ ba, dòng vốn ngoại sẽ cải thiện đáng kể sau nhiều năm bị rút ròng mạnh. Trước tiên, Fed đã chính thức đảo chiều lãi suất khiến các thị trường đặc thù bởi tính chu kỳ cao như EM hay Việt Nam được đánh giá rủi ro thấp đi và hấp dẫn hơn với dòng tiền đầu tư toàn cầu từ 2025.
Ngoài ra, câu chuyện kỳ vọng FTSE nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi đã khả thi hơn rất nhiều khi Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ 2/11/2024. Do đó, thị trường Việt Nam được nâng hạng lên EM cùng chu kỳ tích cực hơn cho dòng vốn trở lại EM sẽ mở ra triển vọng tích cực của dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Với câu chuyện tăng trưởng EPS và tái định giá (khi dòng tiền ngoại trở lại và rủi ro giảm đi) thì VN-Index được kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2025. Theo kịch bản cơ sở, mốc chỉ số kỳ vọng cho cuối năm 2025 có thể đạt 1500 điểm (tương ứng +19,7% so với giá đóng cửa ngày 25/10/2024) với mức tăng chỉ số được dẫn dắt bởi tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi của các doanh nghiệp niêm yết.
Cơ hội đầu tư trong bức tranh sáng
Với bối cảnh trên thì đa số các nhóm ngành và doanh nghiệp niêm yết sẽ có triển vọng tốt trong năm 2025. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) vẫn hàm chứa rủi ro nhất định khi quy định ngày càng khắt khe hơn và nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được như vấn đề kiểm toán, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp này cũng xấu đi sau thời gian khó khăn kéo dài và khả năng hồi phục sau này khó đánh giá. Do đó, chiến lược đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung và lớn trên thị trường (nhóm VN100) với rủi ro hạn chế và được hưởng lợi lớn hơn từ câu chuyện nâng hạng.
Các chủ đề đầu tư cần theo dõi trong năm 2025
Định giá hấp dẫn – lợi nhuận tăng trưởng – rủi ro giảm: Với triển vọng 2025 đề cập ở trên, một số nhóm ngành mà đặc biệt là nhóm Bất động sản, sau đó là ngân hàng sẽ có kỳ vọng được tái định giá khi rủi ro giảm bớt và lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2025, trong đó nhóm BĐS được kỳ vọng có KQKD tăng trưởng cao nhất thị trường trong năm sau.
Câu chuyện nâng hạng – kinh tế phục hồi: Ảnh hưởng tích cực lên phần lớn thị trường nhưng ảnh hưởng trực tiếp nhất là nhóm vốn hóa lớn và trung bình, tập trung vào nhóm VN50, trong đó nhóm chứng khoán sẽ hưởng lợi trực tiếp và phản ánh mạnh nhất. Lưu ý rằng các cổ phiếu thuộc rổ Diamond sẽ không hưởng lợi trực tiếp nhiều từ câu chuyện nâng hạng.
Câu chuyện riêng về tăng trưởng: Năm 2025 vẫn là các năm đầu của một chu kỳ kinh tế mới, các doanh nghiệp tái cấu trúc thành công hoặc gia tăng công suất, năng lực kinh doanh trong chu kỳ mới sẽ là các cổ phiếu tăng trưởng trung hạn vượt trội thị trường (alpha).
Các rủi ro có thể khiến VN-Index trượt khỏi “đường ray”
Thứ nhất, suy thoái kinh tế hiện được đánh giá khó xảy nhưng vẫn cần theo dõi xác suất trong năm 2025. Suy thoái kinh tế (nếu có) sẽ khiến rủi ro cho các lớp tài sản rủi ro như cổ phiếu cao lên đáng kể và nhà đầu tư cần tập trung quản trị rủi ro trước khi tìm kiếm cơ hội trong tình huống này.
Thứ hai, tình hình căng thẳng địa chính trị thế giới hiện nay đa số được kiểm soát nhưng vẫn cần theo dõi diễn biến năm 2025. Các biến động là đứt gãy chuỗi cung ứng có thể khiến lạm phát tăng trở lại (leg-2) và rủi ro toàn cầu gia tăng trở lại. Ngoài ra, Mỹ đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống mới, dù trong lịch sử các năm đầu sau bầu cử thường tốt cho cổ phiếu nhưng vẫn cần lưu ý các chính sách của tổng thống mới.
Thứ ba, các nút thắt pháp lý không được giải quyết như kỳ vọng. Điều này sẽ khiến rủi ro của toàn thị trường tương đương hoặc cao hơn 2024 và thị trường khó thu hút được dòng tiền khi các rủi ro lớn hiện hữu kéo dài.