|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn

14:47 | 05/11/2024
Chia sẻ
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số tiền này đã tăng thêm hơn 305.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 4,68%, phản ánh sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn từ các kênh đầu tư tài chính qua tiền gửi ngân hàng trong 2 năm kề từ tháng 10/2022.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm kênh đầu tư bền vững mà không đối mặt với quá nhiều rủi ro, trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà đầu tư. Đầu tư thụ động qua các quỹ ETF hoặc quỹ chỉ số đang được cân nhắc nhiều hơn như một lựa chọn an toàn trong hoạch định tài chính của các nhà đầu tư cá nhân.

Đặc biệt là trong thời kỳ biến động khi mà cả thị trường tài chính toàn cầu lẫn Việt Nam đều chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị và tình hình kinh tế quốc tế, như xung đột ở Trung Đông và giá vàng liên tục lập kỷ lục.

Theo nhu cầu đó, sự phát triển của ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng đang trên đà tăng đáng kể, thể hiện rõ qua con số 110 quỹ đầu tư đang hoạt động vào năm 2024, tăng gấp đôi so với cuối năm 2020. Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản quản lý của ngành này đã đạt tới 670.500 tỷ đồng, bao gồm các quỹ mở, quỹ chỉ số và tài khoản quản lý riêng lẻ, tăng hơn 16% so với năm 2022 và tăng gấp 6,7 lần so với con số chỉ 100.000 tỷ đồng vào 10 năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu về hoạt động quản lý tài sản cũng như đa dạng các sản phẩm đầu tư gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Số lượng nhà đầu tư tham gia quỹ mở cũng tăng đáng kể, lên tới gần 250.000 người, tương đương khoảng 0,25% dân số. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng tài sản quản lý trung bình đạt 21% mỗi năm – tuy ấn tượng nhưng vẫn còn khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan.

 

Thực tế số liệu cũng chứng minh, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một kênh phù hợp, đặc biết là đối với phần đông dân số. Hiệu suất đầu tư của nhiều quỹ đầu tư trong năm 2024 đã cho thấy sự vượt trội hơn cả chỉ số VN-Index.

Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 10%, trong khi đó nhiều quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đã ghi nhận hiệu suất từ 12-15%, thậm chí có quỹ còn đạt mức gấp đôi so với chỉ số chung. Điều này cho thấy đầu tư qua các quỹ ETF hoặc quỹ mở không chỉ mang lại sự an toàn mà còn đem lại lợi nhuận cao hơn nếu nhà đầu tư lựa chọn đúng quỹ phù hợp.

Ưu điểm vượt trội của đầu tư thụ động

Ưu điểm của quỹ đầu tư thụ động là không đòi hỏi các nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên sâu về phân tích tài chính, thị trường và ngành công nghiệp, đồng thời phải có tâm lý ổn định và tính kỷ luật rất cao. Việc này có thể khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân khó tham gia, đặc biệt khi có thời gian theo dõi thị trường hoặc kiến thức hạn chế để theo dõi và nghiên cứu từng cổ phiếu.

Thứ hai là khi mua một chứng chỉ quỹ nhà đầu tư có được sự đa dạng hóa. Bản thân một chứng chỉ quỹ đã bao gồm nhiều công ty, nhiều ngành nghề mô phỏng theo chỉ số và môt số chứng chỉ quỹ còn có thể gồm nhiều loại tài sản (đối với quỹ cân bằng). Khi có sự đa dạng hóa, hiệu quả của quỹ sẽ không quá phụ thuộc vào một tài sản, một công ty bất kỳ, và do đó, trong các bối cảnh kinh tế khác nhau, chu kỳ kinh tế khác sau, sẽ luôn có những tài sản hoạt động tốt hơn tài sản khác, và như vậy, hiệu quả của danh mục cũng được cân bằng và đa dạng hóa.

 

Đối với ETF, thanh khoản cũng dồi dào. Bản chất ETF cũng được niêm yết, nên nhà đầu tư có thể mua bán bất cứ lúc nào, và với một số vốn bắt đầu rất ít. Đây cũng là ưu điểm vượt trội của ETFs so với các chứng chỉ quỹ tương hỗ.

Và cuối cùng, ETF thường có phí quản lý thấp hơn rất nhiều so với các quỹ chủ động. Điều này là do quỹ thụ động chỉ đơn giản mô phỏng theo một chỉ số thị trường nhất định mà không cần các nhà quản lý quỹ bỏ nhiều công sức để thực hiện nghiên cứu và giao dịch liên tục. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là trong dài hạn, chỉ có khoảng 15-20% quỹ chủ động có thể đánh bại chỉ số thị trường. Trong khi đó, quỹ thụ động theo dõi chỉ số thị trường và hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung, thường có hiệu suất tương đương hoặc cao hơn sau khi trừ đi chi phí​.

Đây cũng là xu hướng đầu tư toàn cầu khi mà thị trường đang ngày càng nghiêng về phía đầu tư thụ động. Ví dụ tại Mỹ, trong khi các quỹ chỉ số được quản lý thụ động chỉ chiếm 19% tổng tài sản quản lý AUM (Assets Under Management) ở các công ty quản lý quỹ đầu tư vào năm 2010, thì tỷ lệ này đã tăng lên 48% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức, từ việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn và cao thông qua các quỹ chủ động sang lựa chọn các chiến lược dài hạn, ổn định hơn.

Hơn nữa, đầu tư thụ động ngày càng phổ biến với lợi ích về chi phí thấp, hiệu suất ổn định và ít đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, đặc biệt khi kết hợp với công nghệ cố vấn Robo AI. Các tổ chức lớn như JP Morgan đã tiên phong trong việc triển khai AI vào các mảng phân tích tài chính và giao dịch tự động với nền tảng LOXM, giúp tối ưu hóa các quyết định giao dịch cho khách hàng bằng cách phân tích dữ liệu thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.

Cùng theo xu hướng thế giới, ở Việt Nam, Cố vấn Robo AI đã bắt đầu được phát triển tại Việt Nam bởi nhiều công ty fintech. Cố vấn Robo AI giúp nhà đầu tư cá nhân tiếp cận việc đầu tư thụ động với chi phí thấp với một trải nghiệm đầu tư dễ dàng. Nhờ vào công nghệ, quá trình phân tích và phân bổ tài sản diễn ra tự động, tối ưu hóa danh mục đầu tư mà không cần phí quản lý cao như các quỹ chủ động truyền thống. Người dùng chỉ cần xác định mục tiêu và mức độ rủi ro, cố vấn sẽ tự động điều chỉnh và cá nhân hóa danh mục để phù hợp với mục tiêu dài hạn của họ. Có thể nói, với cố vấn Robo AI, nhà đầu tư cũng có thể tự xây dựng danh mục ETF của riêng mình.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, bản chất ETF được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố thị trường như biến động giá cổ phiếu trong danh mục, tình hình kinh tế vĩ mô, lãi suất và tâm lý nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến rủi ro biến động giá ngắn hạn và ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của nhà đầu tư vào ETF.

 

Những vướng mắc trong phát triển ngành quỹ

Nhìn chung, cho đến hiện tại, mặc dù năm 2024 hiệu quả của các quỹ thụ động là khá cao, và nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến việc đầu tư thụ động thông qua các chứng chỉ quỹ, thị trường quản lý quỹ và qui mô tài sản của quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Theo UBCKNN, tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản quản lý của ngành này đã đạt tới 670,500 tỷ đồng, bao gồm các quỹ mở, quỹ chỉ số và tài khoản quản lý riêng lẻ. Mức AUM này chỉ chiếm khoảng 2,4% GDP năm 2023, là con số khiêm tốn nhiều so với các nước trong khu vực với mức từ 10 – 30% GDP, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…

Một trong những lí do chính mà nhà đầu tư chưa tham gia vào thị trường đó chính là rào cản về kiến thức tài chính toàn diện và nhận thức đúng đắn về đầu tư dài hạn. Với sự phát triển của công nghệ tài chính fintech, ngày hôm nay đặc biệt là ở các thành phố lớn, có thể kiến thức tài chính đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên, vẫn còn tỉ lệ cao dân số chưa tiếp cận với kiến thức tài chính một cách bài bản, trong khuôn khổ chương trình giáo dục cấp 2, cấp 3 hay đại học.

Trong một báo cáo phân tích thị trường do Tititada và MBA Havard Business School thực hiện trong khuôn khổ của chương trình Global Immersion năm 2024, phỏng vấn hơn 100 người trong độ tuổi từ 22-45 tại Việt nam cho thấy, nhiều nhà đầu tư Việt Nam chưa có niềm tin đối với thị trương tài chính Việt Nam vì có quá nhiều biến động và tâm lý của nhiều người vẫn chưa tin tưởng và thoái mái trong việc sử dụng công ty quản lý quỹ, hay chuyên gia tư vấn tài chính để quản lý tiền bạc của chính mình. Đây có lẽ là một hành trình dài để trong việc thay đổi nhận định của thị trường đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ nói chung và ETF nói riêng.

Ngoài ra, thị trường quỹ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các quỹ trái phiếu và quỹ cổ phiếu và một vài quỹ cân bằng, và quỹ ETF (Exchange-Traded Fund), các hình thức khác như quỹ đầu tư bất động sản (REITs), quỹ hưu trí tự nguyện chưa phát triển mạnh mẽ. Điều này làm giảm sự lựa chọn cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân muốn tiếp cận các sản phẩm tài chính phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư dài hạn. Bản thân với quỹ trái phiếu và cổ phiếu, cũng cần thêm những tài sản có chất lượng hơn.

Thêm vào đó là sự hạn chế trong kênh phân phối chứng chỉ quỹ. Phần lớn nhà đầu tư vẫn chỉ tiếp cận các sản phẩm quỹ thông qua các công ty chứng khoán hoặc nền tảng trực tuyến của các công ty quản lý quỹ. Các kênh phân phối rộng rãi hơn, như qua các ngân hàng hay tổ chức tài chính phi ngân hàng, chưa thực sự phát triển và phổ biến.

Từ đó làm giảm tính tiện lợi và tiếp cận của sản phẩm quỹ, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc những người chưa có kiến thức sâu về tài chính. Đồng thời, các công ty quản lý quỹ cũng thường nhắm vào tập khách hàng có giá trị tài sản ròng cao, nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể chưa tiếp cận các sản phẩm chứng chỉ quỹ, đặc biệt là quỹ tương hỗ.

Ngoài ra, quá trình quản lý quỹ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều quỹ đầu tư hiện nay vẫn gặp trở ngại trong việc xây dựng danh mục đầu tư đa dạng, do phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về tỷ lệ phân bổ tài sản. Các quy định vê phân bổ tài sản nhăm bảo vệ nhà đầu tư, tuy nhiên việc này làm cho các quỹ không thể linh hoạt điều chỉnh danh mục theo sự biến động của thị trường, dẫn đến hiệu suất đầu tư không cao. Thực tế, một số quỹ chỉ tập trung vào một loại hình tài sản nhất định, điều này không chỉ hạn chế khả năng sinh lời mà còn làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Ví dụ như với các quỹ đầu tư trái phiếu hoặc quỹ hưu trí, hầu hết đều có danh mục đầu tư vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, chiếm tới 70-80% danh mục quỹ, và tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục chỉ ở mức 15%, còn lại là các tài sản khác và tiền mặt. Đối với danh mục này, có thể hiệu quả còn thấp hơn việc nhà đầu tư gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dài hạn tại một số ngân hàng tư nhân, nên rõ ràng chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Tiềm năng phát triển ngành quản lý quỹ ở Việt Nam rất lớn

Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế ổn định với GDP tăng trung bình 6-7% trong những năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người của người dân ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu, giúp tạo ra nhu cầu lớn hơn cho các sản phẩm đầu tư như chứng chỉ quỹ và các sản phẩm tài chính khác. Theo dự báo, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, với quy mô GDP ước tính đạt 1.300 – 1.400 tỷ USD.

Hiện tại, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 4.285 USD, tăng 160 USD so với năm 2022, và dự kiến sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Khi thu nhập tăng, người dân sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư bền vững hơn thay vì giữ tiền nhàn rỗi. Quy mô ngành quỹ cũng được kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 10% GDP, đạt 130 - 140 tỷ USD, và trở thành một thành viên quan trọng thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, Việt Nam có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, với hơn 70% dân số sử dụng internet. Điều này giúp nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin và sản phẩm đầu tư thông qua các nền tảng trực tuyến. Các công ty quản lý quỹ đã và đang phát triển các nền tảng giao dịch chứng chỉ quỹ trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận và đầu tư vào các sản phẩm quỹ với chi phí thấp.

Lãi suất thấp là một yếu tố quan trọng khác giúp thúc đẩy đầu tư vào các quỹ. Khi lãi suất ngân hàng giảm, lợi suất từ các khoản tiền gửi tiết kiệm cũng giảm theo, làm cho các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lợi cao hơn như chứng chỉ quỹ, đặc biệt là quỹ mở và quỹ chỉ số. Chính sách lãi suất của NHNN hiện nay đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư, giúp thu hút dòng vốn từ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức vào thị trường tài chính.

Một trong những bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển thị trường tài chính là nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi” theo tiêu chuẩn của MSCI và FTSE Russell vào năm 2025. Mục tiêu này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn quốc tế, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức, và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm tài chính, trong đó có các quỹ đầu tư. Điều này sẽ mang lại nguồn vốn dài hạn lớn hơn, đồng thời giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và ổn định hơn.

Hiện tại, nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm khoảng 15% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, nơi tỷ lệ này dao động từ 40-60%. Tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức không chỉ giúp giảm thiểu biến động trên thị trường mà còn thúc đẩy các yếu tố cơ bản của thị trường, giúp cổ phiếu phản ánh chính xác hơn tình hình vĩ mô và doanh nghiệp.

Nhìn chung, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của sự phát triển bùng nổ, nhưng vẫn cần phải vượt qua nhiều thách thức về niềm tin của nhà đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm quỹ và cải thiện kênh phân phối. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính phủ và tiềm năng của thị trường, đây chắc chắn là một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong tương lai.

Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc điều hành Tititada

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.