Fed sẽ khó có thể nâng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay
Giới đầu tư đang cảm thấy khó bị thuyết phục rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đủ mạnh để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay.
Các số liệu kinh tế của Mỹ đã không đạt kỳ vọng trong nhiều tuần liền, và mặc dù số liệu tháng 4 đã được cải thiện so với tháng 3 nhưng vẫn đáng thất vọng. Giá cả thị trường đang phản ánh rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1,5 lần nữa (nghĩa là 1 lần chắc chắn và 1 lần chưa chắc chắn), mặc dù cơ quan này đã dự báo sẽ có 2 lần tăng. Các quan chức Fed cũng cho biết họ có thể bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.
Aaron Kohli, giám đốc chiến lược thu nhập cố định tại BMO Capital Markets cho biết: "Khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 6 đã giảm xuống còn khoảng 70%, so với mức 80% trước đây". Ông cho biết thêm rằng, dựa trên giá chứng chỉ quỹ liên bang (Fed funds futures), khả năng Fed nâng lãi suất lần thứ hai vào tháng 12 đã giảm xuống còn 37% trong vài ngày qua, từ mức 65% trước đây.
Ông Kohli nói rằng giá chứng chỉ quỹ bắt đầu phản ánh sự hoài nghi nhiều hơn vào tuần trước, và sự hoài nghi này đã tăng mạnh sau khi mức lạm phát được báo cáo hôm thứ Sáu làm nhiều người thất vọng.
"Fed ít nhiều bị đặt vào thế là phải nâng lãi suất trong tháng 6, trừ phi có thiên tai, nhưng lộ trình lãi suất của cơ quan này là rất đáng để đặt dấu hỏi, đặc biệt nếu nền kinh tế không nhận được bất kỳ sự kích thích tài khóa nào nào", ông nói. Hầu hết các nhà kinh tế mong đợi Fed tăng lãi suất thêm hai lần trong năm nay, theo kế hoạch là vào tháng 6 và tháng 9.
Ông Thanos Vamvakidis, trưởng nhóm tiền tệ G-10 tại Bank of America Merrill Lynch, cho biết việc sụt giảm khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 6 là khá ngạc nhiên. Ông nói rằng: "Một tuần trước, người ta coi khả năng này là chắc chắn. Bây giờ thị trường đã nghĩ lại". Và ông cũng nói thêm rằng thị trường đánh giá khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 9 đã giảm xuống khoảng 40%, từ mức khoảng 50% trước đây.
Hôm thứ Tư (tức hôm nay), các nhà giao dịch sẽ theo dõi các diễn biến tiếp theo từ Washington, sau khi xuất hiện các báo cáo rằng Tổng thống Donald Trump đã cung cấp cho các quan chức Nga thông tin mật về ISIS, được cho là nhận được từ Israel. Tờ New York Times cũng đưa tin rằng ông Trump đã từng yêu cầu cựu giám đốc FBI James Comey chấm dứt cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Flynn là trung tâm của cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với nước Nga, còn Comey vừa bị ông Trump sa thải vào tuần trước.
Mặc dù số liệu kinh tế Mỹ yếu kém là yếu tố quan trọng hơn, nhưng câu chuyện về Trump đã thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu và ngoại tệ, vì họ lo lắng rằng bất kỳ yếu tố nào gây xao nhãng ở Washington sẽ làm chậm những nỗ lực của Nhà Trắng và Quốc hội trong việc cải cách thuế và kích thích tài khóa.
Các mâu thuẫn gần đây ở Washington đã khiến đồng USD suy yếu và lãi suất trái phiếu giảm xuống, kéo theo giá trái phiếu tăng lên. Thị trường chứng khoán thì vẫn phớt lờ, và Nasdaq tăng lên mức kỷ lục mới là 6.169 điểm. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cũng công bố kết quả khảo sát hôm thứ Ba, cho thấy các nhà quản lý quỹ toàn cầu tin rằng Nasdaq đang thu hút nhiều nhà đầu tư nhất thế giới.
Hôm thứ Ba, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với nhiều diễn biến trái chiều. Trong khi Nasdaq tăng, Dow Jones lại giảm 2 điểm xuống còn 20.979, và S&P 500 cũng giảm 1 điểm xuống 2.400.
Chỉ số USD giảm khi đồng euro tăng lên mức trên 1,10 USD đổi 1 Euro vì triển vọng của châu Âu được cải thiện. Chỉ số USD đã giao dịch ở mức 98,16 vào cuối ngày thứ Ba, mức thấp nhất từ sau đợt bầu cử Tổng thống năm 2016.
"Châu Âu đang chứng kiến sự tăng tốc trong hoạt động kinh tế, có thể thấy được điều này trong cả số liệu khảo sát và số liệu kinh tế thực. Trong khi đó, nước Mỹ đang trải qua một thời kỳ giảm tốc vì sức mạnh của các số liệu thống kê dựa trên khảo sát (tức dữ liệu mềm) đang giảm xuống, và số liệu kinh tế thực sự không mang lại được sự phục hồi", ông Alessio de Longis, quản lý danh mục đầu tư của OppenheimerFunds, viết trong một email.
Ông Jens Nordvig, Tổng giám đốc của Exante Data, cho biết ông dự báo đồng Euro tiếp tục mạnh lên so với đồng USD. Ông cũng nói rằng: "Đồng USD đã tăng giá mạnh từ mùa hè năm 2014 đến gần đây, ghi nhận mức tăng 25% giống như trong thập niên 1980. Không phải là đồng USD không hấp dẫn, vấn đề là nó đã tăng quá mạnh. Tôi cho là đồng USD sẽ giảm so với euro".
Ông Nordvig cũng cho biết tin tức về ông Trump đã tạo sức ép lên đồng USD, nhưng đồng tiền này trước đó cũng đã yếu đi do những nghi ngờ về khả năng Fed có tăng tăng lãi suất hay không.
Ông Nordvig nới rằng: "Rõ ràng có một số quan ngại về Washington. Số liệu lạm phát cũng thấp hơn dự kiến. Người ta bắt đầu nghi ngờ liệu Fed có hành động vào tháng 6 và tháng 9 hay không. Hơn thế nữa, đồng euro đã có sự chuyển hướng."
Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I chỉ đạt 0,7%, nhưng các nhà kinh tế đang dự đoán mức tăng trưởng khoảng 3% hoặc nhiều hơn trong quý 2. Doanh số bán lẻ công bố hôm thứ Sáu giảm nhẹ so với dự kiến, và số liệu nhà đất vào thứ Ba cũng khá thất vọng. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là sự gia tăng hoạt động sản xuất, tăng 1% trong tháng 4 sau khi giảm 0,4% trong tháng ba.
Một số chỉ số kinh tế của Mỹ. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư/ Trading Economics) |
"Số liệu trong quý I, đặc biệt là trong tháng 3, là khá yếu, và thị trường kì vọng số liệu tháng 4 sẽ được cải thiện. Và nếu có cải thiện, nó cũng không tốt như thị trường mong đợi", là bình luận của ông Thanos Vamvakidis tại Bank of America Merrill Lynch.