|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed đã sẵn sàng xem xét nâng mục tiêu lạm phát?

20:35 | 19/06/2017
Chia sẻ
Sự hồi phục kinh tế “khiêm tốn” trong những năm qua khiến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen, và những người đứng đầu các ngân hàng trung ương khác đang xem xét một vấn đề từng được xem là không thể tưởng tượng được: đó là từ bỏ những nỗ lực lâu nay nhằm giữ lạm phát ở mức thấp và cho phép những kỳ vọng về giá cả tăng lên, Reuters cho hay.

Fed đã sẵn sàng xem xét nâng mục tiêu lạm phát?

Sự hồi phục kinh tế “khiêm tốn” trong những năm qua khiến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen, và những người đứng đầu các ngân hàng trung ương khác đang xem xét một vấn đề từng được xem là không thể tưởng tượng được: đó là từ bỏ những nỗ lực lâu nay nhằm giữ lạm phát ở mức thấp và cho phép những kỳ vọng về giá cả tăng lên, Reuters cho hay.

fed da san sang xem xet nang muc tieu lam phat

Trong nhận định của mình hôm thứ Tư vừa qua, bà Yellen đã gọi cuộc tranh luận về việc nâng các mục tiêu lạm phát toàn cầu đang nổ ra là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà chính sách tiền tệ đang đối mặt, khi lãnh đạo của các ngân hàng trung ương hiện phải vất vả tìm giải pháp cho một lối mòn kinh tế, trong đó tăng trưởng thấp, lãi suất thấp và giá cả yếu và tăng lương đang củng cố sức mạnh cho nhau.

Mục đích sẽ là một sự thay đổi tâm lý của doanh nghiệp và các hộ gia đình, đồng thời thuyết phục họ rằng giá cả sẽ tăng đủ nhanh trong tương lai, và họ sẽ giàu có hơn khi vay mượn và tiêu xài nhiều hơn trong thời đại ngày nay.

Ở thập kỷ 80 và 90, giữ được lạm phát ổn định là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển.

Tiêu chí đó đã trở thành một mục tiêu cốt lõi của Fed và là niềm tin sâu sắc cho ngân hàng Bundesbank của Đức, và sau này là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – vốn được thành lập vào năm 1998 với nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá cả mà theo định nghĩa là lạm phát dưới 2%.

Mục tiêu 2% đó, vốn được hiểu là giá cả sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 35 năm và được xem là vừa mang lại sự ổn định vừa là bước đệm đầy đủ để chống lại giảm phát, hiện rất phổ biến đối với các ngân hàng trung ương ở những nước phát triển.

Nâng mục tiêu lạm phát đó lên 3% hay thậm chí 4% như một số nhà kinh tế học đề nghị sẽ thay đổi triển vọng của các công ty nói riêng, cho phép họ tính phí nhiều hơn đối với hàng hóa và trả tiền công lao động nhiều hơn mà không sợ rằng một ngân hàng trung ương sẽ can thiệp.

Để có hiệu quả, Fed sẽ phải ủng hộ mục tiêu mới đó với tốc độ nâng lãi suất chậm hơn so với mức mà họ cho là phù hợp.

Điều đó có thể mang đến rủi ro cho Fed, vốn đã nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu hiện tại của mình và khiến cho mọi người quen kỳ vọng giá sẽ giảm và lương sẽ tăng, Ryan Sweet, chuyên gia phân tích của Moody, nói.

Ở một phương diện nào đó, Fed có thể là nạn nhân của sự thành công của chính họ và trong quá khứ, bà Yellen từng tỏ ra hoài nghi rằng liệu Fed có thể thay đổi được những kỳ vọng gắn liền với khả năng giữ lạm phát thật sự ở mức thấp của họ suốt nhiều năm bằng cách đơn giản là nâng mục tiêu của mình lên hay không.

Bằng cách cho phép lạm phát cao hơn, Fed sẽ tạo ra nhiều không gian hơn để lãi suất danh nghĩa tăng sau này mà không hạn chế tăng trưởng kinh tế, những người ủng hộ phân tích.

Với lãi suất được kỳ vọng vẫn duy trì ở mức thấp lịch sử, bà Yellen và những người đồng cấp của mình hiện lo lắng rằng ngay cả một cuộc suy thoái nhỏ cũng sẽ buộc họ phải giảm lãi suất về mức 0 và triển khai những công cụ thời khủng hoảng, như chương trình mua tài sản – một điều mà họ có thể tránh được nếu lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, những người hoài nghi lại đặt câu hỏi là liệu việc nâng mục tiêu lạm phát sẽ có tác động lâu dài lên hoạt động kinh tế không.

Nâng hay không nâng?

Trong suốt đợt hồi phục 8 năm qua, Fed đã liên tục giảm ước tính của họ về tiềm năng kinh tế Mỹ, về lãi suất cần có để đạt được điều đó, và nhìn chung đã không đưa lạm phát về được trở lại mức 2%. Hôm thứ Tư vừa qua, bà Yellen nói rằng có thể giờ là lúc xem xét lại.

“Chúng tôi đã học được nhiều điều”, bà Yellen nói về khoảng thời gian kể từ năm 2012 đến nay khi Fed ấn định mục tiêu lạm phát. Một bài học đã được rút ra là lãi suất sẽ bị kẹt ở các mức thấp lịch sử trừ khi có điều gì đó thay đổi. Nâng mục tiêu lạm phát với hy vọng điều đó có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi hay không là một trong những quyết định quan trọng nhất của chúng tôi, bà nói.

Những người đứng đầu các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Nhật Bản, Anh và những nơi khác cũng đã bắt đầu thảo luận chi tiết về phương án này, trong khi Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cứ 5 năm một lần lại xem xét lại mục tiêu lạm phát của họ.

Bất kỳ động thái nào cũng không có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Những nhà hoạch định chính sách có thể không muốn bỏ lỡ các mục tiêu của họ, nhưng họ cũng nhận ra lợi ích của những đợt tăng giá khiêm tốn xuất phát từ các chính sách của ngân hàng trung ương và một nền kinh tế toàn cầu hóa, giúp thúc đẩy chi phí sản xuất giảm xuống mang lại.

Kể từ đầu thập kỷ 1990 đến nay, thu nhập bình quân của hộ gia đình Mỹ và lạm phát tiêu dùng chung hầu như đồng bộ hoàn hảo với nhau. Chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã tăng nhanh hơn, nhưng giá quần áo, đồ đạc trong nhà và thực phẩm nhìn chung đã tăng ít hơn hoặc không tăng so với thu nhập của hộ gia đình – điều này mang lại lợi ích cho những người nghèo bị tác động nhiều nhất trong suốt các đợt lạm phát cao.

Tuy nhiên, điều đó cũng có thể đã tạo nên sức ỳ.

Chính sách tiền tệ hiện đại chủ yếu dựa trên khả năng tạo ra kỳ vọng của một ngân hàng trung ương, và Fed cùng với các ngân hàng trung ương khác đã rất thành công trong việc giữ lạm phát ở mức thấp đến nỗi giờ đây họ dường như không thể thay đổi tâm lý đó theo chiều ngược lại.

Fed cũng không còn khá chắc chắn về việc một số khía cạnh cơ bản của nền kinh tế đang hoạt động thế nào trong thời đại ngày nay.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện thấp nhất trong 15 năm qua với 4.3%, nhưng tăng trưởng tiền lương ở mức thấp và gần đây, lạm phát đã trượt xa hơn khỏi mục tiêu của Fed.

Nhã Thanh