|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed coi chính sách thuế quan của ông Trump là ‘cơn gió ngược dai dẳng’ của kinh tế Mỹ

13:33 | 22/08/2019
Chia sẻ
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Fed đã bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới tăng trưởng của nền kinh tế.
Fed coi chính sách thuế quan của ông Trump là ‘cơn gió ngược dai dẳng’ của kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: CNBC)

Rạng sáng ngày hôm nay (22/8, theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Ủy Ban thị trường Mở Liên bang (FOMC).

Biên bản cuộc họp này được giới đầu tư quan tâm khi nó chỉ ra chi tiết những lí do dẫn tới quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn một thập kỉ và cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách điều hành thời gian tới của Fed.

Fed coi chính sách thuế quan của ông Trump là cơn gió ngược dai dẳng

Theo biên bản họp, các thành viên FOMC tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung tới sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế.

Các thành viên FOMC đã nhắc đến vấn đề thương mại nhiều lần trong cuộc họp và nhận định rằng các rủi ro liên quan đến sự không chắc chắn trong thương mại vẫn là "cơn gió ngược" dai dẳng cho triển vọng kinh tế Mỹ

"Thuế quan kết hợp với những điều kiện kinh tế kém khả quan có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong khi sự "ẻo lả" trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn dự kiến của các thành viên FOMC", biên bản nêu rõ.

Biên bản cuộc họp của Fed được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục kêu gọi cơ quan này cắt giảm lãi suất nhiều hơn và đổ lỗi cho NHTW Mỹ về sự chậm lại của nền kinh tế.

Trong các dòng tweet mới đăng sáng 19/8, Tổng thống Trump cho rằng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt bất chấp sự "thiếu tầm nhìn đến mức khủng khiếp" của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

"Lãi suất chính sách của Fed nên giảm 100 điểm cơ bản trong một thời gian ngắn kết hợp với biện pháp nới lỏng định lượng. Nếu được như vậy, nền kinh tế Mỹ thậm chí sẽ còn hoạt động tốt hơn hiện nay, kinh tế thế giới cũng sẽ nhanh chóng được cải thiện rất nhiều. Tất cả đều được hưởng lợi",  ông Trump viết trên Twitter.

Trước đó, vào ngày 8/8 không hề úp mở, ông Trump nói thẳng ra rằng việc đồng USD mạnh so với các đồng tiền khác đã và đang gây thiệt hại cho các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng như các hãng sản xuất ôtô của nước này.

"Lãi suất cao của Fed so với các nước khác đang giữ cho đồng USD ở mức cao, khiến các nhà sản xuất tuyệt vời của chúng ta như Caterpillar, Boeing, John Deere, các hãng xe của chúng ta khó cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng. 

Nếu Fed hạ lãi suất mạnh và không thắt chặt định lượng nữa, thì đồng USD sẽ giúp các công ty của chúng ta thắng trong bất kì cuộc cạnh tranh nào", ông Trump viết.

Động thái cắt giảm lãi suất vào tháng 7 chỉ là sự điều chỉnh giữa chu kì

Theo biên bản cuộc họp mới được công bố, Fed đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn tới quyết định cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày 30 – 31/7 gồm sự chậm lại của các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động đầu tư và sản xuất; căng thẳng thương mại và tình trạng phát yếu (liên tục dưới mục tiêu 2% của NHTW).

Biên bản cho biết một vài thành viên của FOMC đã muốn giảm 50 điểm cơ bản, chủ yếu dựa trên tình trạng lạm phát yếu. Tuy nhiên, cũng có một số thành viên khác ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất vì cho rằng rủi ro đã làm giảm bớt kể từ cuộc họp tháng 6. 

Và cuối cũng, họ đã đi đến quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản mặc dù các thành viên đều đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ đã cho thấy một số cải thiện trong những ngày trước cuộc họp.

Biên bản cũng lưu ý rằng những người bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất nhận định động thái này sẽ định vị tốt hơn lập trường tổng thể của Fed nhằm chống lại những tác động tiêu cực từ triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu kém, sự không chắc chắn của chính sách thương mại cũng như thúc đẩy tỉ lệ lạm phát của Mỹ.

Tuy nhiên, tại biên bản này Fed cũng nhấn mạnh rằng động thái cắt giảm lãi suất vừa qua chỉ là sự điều chỉnh giữa chu kì chứ không phải khởi đầu cho một quá trình nới lỏng mạnh mẽ.

Mạnh Đức