|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Fed chần chừ hạ lãi suất, cần tính toán lượng vàng nhập khẩu để tránh ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối'

13:00 | 21/04/2024
Chia sẻ
Theo GS TS. Trần Thọ Đạt, hiện khả năng Fed lùi thời gian hạ lãi suất từ tháng 6 sang tháng 9 đã khá rõ. Vì vậy, NHNN cần tính toán tới câu chuyện dự trữ ngoại hối, nhập khẩu bao nhiêu vàng là vừa để bình ổn giá vàng trong nước mà không ảnh hưởng đến tỷ giá.

Khác với năm 2022 và 2023 khi tỷ giá trung tâm thường chỉ tăng vào cuối năm, năm nay tỷ giá tăng nóng ngay từ đầu năm. Tỷ giá trung tâm ngày 20/4 được NHNN công bố ở mức 24.260 đồng/USD, tăng khoảng 1,7% so với mức 23.848 đồng/USD từ đầu năm nay.  

Trên thị trường ngân hàng, Vietcombank đang niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.070 - 25.440 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 261 đồng ở chiều mua vào và tăng 261 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần, tăng gần 4% so với đầu năm.

Tỷ giá dậy sóng khi Fed chần chừ hạ lãi suất

Trước đó, tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm áp lực khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất vào cuối quý II/2024. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ có vẻ "cứng đầu" hơn dự tính. Giá cả vẫn ở mức cao và tỷ lệ lạm phát thực tế vẫn còn cách xa mục tiêu 2% khiến Fed thận trọng hơn trong lộ trình cắt giảm lãi suất.

Thay vì cuối quý II, phần lớn dự báo hiện tại đánh giá Fed có thể lùi thời điểm hạ lãi suất sang đầu quý III, số lần cắt giảm cũng được dự báo chỉ còn hai lần thay vì ba lần như trước.

Chỉ số USD Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD đã mạnh lên nhanh chóng trong giai đoạn vừa qua. (Ảnh: Minh Quang).

Đánh giá về động thái này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng tỷ giá năm nay tăng nóng do ba nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất là đồng USD tăng giá do Fed chưa giảm lãi suất. 

Thứ hai là hoạt động xuất nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại và thứ ba là giá vàng tăng cao có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.

Việc Fed có thể lùi thời gian hạ lãi suất dĩ nhiên sẽ gây áp lực tỷ giá nhưng cơ bản không phải quá mạnh bởi khi đó các nhà đầu tư đã tính toán, lượng hoá được việc Fed có thể lùi thời gian hạ lãi suất từ tháng 6 sang tháng 9.

"Rõ ràng, các nhà đầu tư đã chiết khấu, tính toán trong câu chuyện tỷ giá. Áp lực tỷ giá vẫn có nhưng chắc chắn không mạnh như thời gian vừa qua", TS Lực dự báo.

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết tỷ giá tăng 4,9% từ đầu đến nay là vấn đề mà NHNN rất quan tâm.

Theo ông, tỷ giá tăng là do kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được; lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh. Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong ba tháng đầu năm nhưng ngược lại, đến nay vẫn chưa thấy gì.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt, mặc dù vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới.

Ông cũng cho hay NHNN sẵn sàng can thiệp ngay nếu tỷ giá tiếp tục bất lợi bằng các công cụ như nguồn ngoại tệ của quỹ dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong năm 2023. 

Tính toán lượng nhập khẩu vàng để tránh ảnh hưởng tỷ giá

GS TS. Trần Thọ Đạt, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU).

Trao đổi với chúng tôi, GS TS. Trần Thọ Đạt, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng câu chuyện tỷ giá là một thách thức nếu Fed lùi thời gian hạ lãi suất. Hiện nay, khả năng Fed lùi thời gian hạ lãi suất từ tháng 6 sang tháng 9 đã khá rõ.

Vị chuyên gia này cho rằng điều này sẽ tạo ra thách thức mới cho mối quan hệ tỷ giá, lạm phát, lãi suất, mức cung tiền, dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, NHNN cần sử dụng những công cụ để điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ để tỷ giá đạt trạng thái cân bằng không tạo cú sốc. NHNN có thể sử dụng nhiều biện pháp và kết hợp các biện pháp khác nhau chứ không chỉ dùng lãi suất, mua bán tín phiếu, thay đổi mức cung tiền.

Theo ông, sau giai đoạn hai năm 2022 và 2023 khi Fed tăng lãi suất gây ảnh hưởng đến tỷ giá NHNN đã tích luỹ đủ kinh nghiệm để điều hành một cách chủ động, linh hoạt để ứng phó với biến động tỷ giá, tránh các cú sốc trong điều hành.

Tuy nhiên, điểm mới năm nay là NHNN sẽ thực hiện đấu thầu vàng miếng. Vì vậy, NHNN cần tính toán tới câu chuyện dự trữ ngoại hối, đấu thầu bao nhiêu, cung bao nhiêu là vừa để không ảnh hưởng đến tỷ giá.

Ông cho rằng trong câu chuyện nhập khẩu vàng, NHNN có thể không cần nhập khẩu lượng lớn vàng để cung ứng cho đấu thầu nhưng cần thể hiện quyết tâm chính sách lớn. Bởi đây cũng là một yếu tố có thể tác động đến tâm lý người dân, họ sẽ không kỳ vọng giá vàng tăng và đầu cơ từ chênh lệch giá nên giá vàng có khả năng sẽ giảm xuống nhanh chóng. 

"Từ đó, có thể chỉ qua một vài lần đấu thầu, cung ứng vàng miếng thị trường sẽ ổn định trở lại, không cần đấu thầu nữa. Khi đó, Nhà nước chỉ cần cho cơ chế hạn ngạch để nhập khẩu vàng bình thường để cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng có đủ nguyên liệu để sản xuất", chuyên gia nói. 

Đồng thời, việc nhập khẩu lượng vàng nhỏ cũng giúp dự trữ ngoại hối không sụt giảm mạnh, đảm bảo công cụ để bình ổn tỷ giá nếu Fed giữ lãi suất cao kéo dài, chuyên gia phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Lực cũng cho rằng nhà quản lý cần phải tính toán kỹ càng lượng nhập khẩu vàng để làm sao vừa đảm bảo nguồn cung vàng để bình ổn cho thị trường trong nước mà vẫn đảm bảo dự trữ ngoại hối

Ông dự báo sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN sẽ sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối. 

Hạ An