Tỷ giá trung tâm tăng hơn 1,6% từ đầu năm, tỷ giá ngân hàng tăng gần 4%
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng từ 23.848 VND/USD lên 24.231 VND/USD, tương ứng mức tăng 1,61%. Trong những năm gần đây, tỷ giá trung tâm thường chỉ tăng vào cuối năm và tương đối ổn định vào dịp đầu năm.
Cả năm 2023, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 1,1% từ đầu năm đến cuối năm và 2,09% từ đỉnh tới đáy. Trong khi đó vào năm 2022, tỷ giá từng tăng 2,06% từ đầu đến cuối năm và 2,8% từ đỉnh tới đáy.
Tại các ngân hàng Vietcombank, tỷ giá cũng liên tiếp tăng kịch trần quy định của NHNN trong ba phiên liên tiếp. Theo đó, tỷ giá bán ra USD đã tăng từ 24.495 VND/USD hồi đầu năm lên 25.400 VND/USD phiên 17/4, tương ứng mức mất giá 3,86%.
Tương tự tỷ giá trung tâm, tỷ giá ngân hàng thương mại thường tương đối ổn định vào dịp đầu năm và có thể tăng nhanh vào cuối năm (như vào 2022 hay cuối quý III/2023 đến giữa quý IV/2023). Năm 2022, khi tỷ giá đối mặt với biến động lớn, giá bán USD tại Vietcombank mới tăng 3,53% sau một năm. Nếu xét từ đỉnh tới đáy, mức mất giá của VND so với USD tại ngân hàng là 9,3%.
Trên thị trường ngoại hối quốc tế, theo dữ liệu từ Google Finance, tỷ giá USD/VND đã tăng lên mốc 25.425 vào chiều ngày 17/4, tương ứng tiền đồng mất giá khoảng 4,76% so với USD kể từ đầu năm và 8,25% so với cùng kỳ.
Trên thị trường "chợ đen", theo dữ liệu của WiChart, VND được được giao dịch ở mức 25.520 - 25.670 VND/USD. So với đầu năm, tỷ giá chợ đen đã tưng khoảng 3,92%.
Tỷ giá tăng trong bối cảnh USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, vượt 106 lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Trong những tuần qua, USD nhanh chóng mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ trong việc hạ lãi suất và xung đột địa chính trị biến đồng bạc xanh thành nơi trú ẩn an toàn.
Không chỉ VND, nhiều đồng tiền khác đều mất giá so với USD. Kể từ đầu năm, nhân dân tệ đã giảm 2,24% so với USD, trong khi yen Nhật (JPY) mất giá tới 9,51%. Các đồng tiền như bảng Anh (GBP) hay euro (EUR) cũng giảm khoảng hơn 2% so với USD.
Tại khu vực Đông Nam Á, rupiah Indonesia (IDR), ringgit Malaysia (MYR), baht Thái Lan (THB) và peso Philippines (PHP) cũng đều mất giá từ 3,25% đến 7,17% so với USD. Ngay cả dollar Singapore, một đồng tiền tương đối ổn định tại khu vực Đông Nam Á do được giá với một rổ tiền tệ, cũng đã mất giá khoảng 3,2% so với USD.