|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Fecon bước vào 'cuộc đua' năng lượng tái tạo

08:45 | 28/06/2019
Chia sẻ
Với sức hấp dẫn của năng lượng tái tạo, dù là một nhà thầu trong lĩnh vực công trình ngầm nhưng Fecon đã quyết định lấn sân sang mảng này.

Tham vọng trở thành doanh nghiệp tỉ đô vào 2023

Năng lượng tái tạo đang được xem là lĩnh vực đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Việt Nam hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký. Trong đó, có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA). Về điện gió, hiện chỉ có khoảng 8 nhà máy đang được vận hành với công suất 243 MW.

Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 2,1% toàn hệ thống. Điều này cho thấy sự hấp dẫn cũng như làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Vốn được biết đến là một nhà thầu khá nổi trong lĩnh vực công trình ngầm, CTCP Fecon (Mã: FCN) đã quyết định lấn sân sang năng lượng tái tạo với mục tiêu vốn hóa đạt 1 tỉ USD vào 2023. Đây là tham vọng khá lớn đối với Fecon khi hiện tại cổ phiếu FCN có thanh khoản khá thấp, giá không có nhiều thay đổi với mức vốn hóa khoảng 69 triệu USD.

Bước đầu tiên để thực hiện tham vọng nói trên là việc bắt tay với Tập đoàn năng lượng ACWA Power vào tháng 7/2017 nhằm hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

ACWA Power là nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà vận hành và đồng sở hữu danh mục các nhà máy phát điện tại 12 quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Phi và Đông Nam Á. 

Danh mục đầu tư của ACWA Power hiện có giá trị trên 30,5 tỉ USD, tổng công suất phát điện 21,5 GW. 

Tại Việt Nam, ACWA Power đã liên doanh cùng tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đầu tư vào dự án Nhiệt Điện Nam Định với tổng mức đầu tư lên tới 2,3 tỉ USD.

Không chỉ hợp tác với ACWA Power, vào cuối năm 2017, đại hội đồng cổ đông Fecon đã thông qua việc tăng vốn điều lê. Với hơn 1.000 tỉ đồng thu được từ đợt phát hành cổ phiếu, Fecon đã đặt mục tiêu nhắm đến các dự án BOT giao thông và điện mặt trời trong giai đoạn 2017 - 2020.

Vừa hòa lưới điện quốc gia, Fecon đã bán 60% dự án năng lượng tái tạo đầu tiên cho đối tác

Sau gần hai năm loay hoay với năng lượng tái tạo, dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 do Fecon làm chủ đầu tư đã chính thức hòa lưới điện quốc gia vào những ngày cuối tháng 6. 

Đây là dự án Fecon hợp tác với ACWA Power, có tổng mức đầu tư 55 triệu USD, quy mô 60 ha và công suất thiết kế 50 MW.

Vinh_Hao_6_2

Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 do Fecon làm chủ đầu tư. (Nguồn: Fecon)

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán MB (MBS), Vĩnh Hảo 6 sẽ cung cấp khoảng 83 triệu KWh/năm và mang lại nguồn thu ổn định cho công ty trong tương lại.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo tại buổi hội nghị về "Triển vọng Fecon 2019" với các quỹ đầu tư vào ngày 6/6, lợi nhuận sau thuế quý II của công ty ước đạt 121 tỉ, tăng 176,2% so với cùng kỳ. 

Khoản lợi nhuận đột biến này đến từ việc Fecon chuyển nhượng 60% của dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác ACWA Power, dự kiến thu về khoảng 45 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại báo cáo tài chính quý I/2019, Fecon còn khoản tạm ứng của ACWA Power với giá trị hơn 142 tỉ đồng.

KPT-FCN

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của Fecon

Nhu cầu đầu tư lớn, khoản phải thu tăng mạnh

Tiếp nói thành công của dự án Vĩnh Hảo 6, Fecon còn tham vọng với định hướng trong những năm tới sẽ có 5-6 dự án năng lượng tái tạo như Vĩnh Hảo 6 (giai đoạn 2); các dự án điện gió tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre; dự án điện mặt trời tại Bình Phước. 

Trong đó, tham gia khoảng 30 - 50% dự án tùy vào đối tác, với điều kiện Fecon phải là nhà thi công và mua lại một dự án.

fcn

Các dự án năng lượng, dự án giao thông, phát triển đô thị Fecon đầu tư, tham gia góp vốn đầu tư giai đoạn 2019 - 2024. Đơn vị tính: tỉ đồng. (Nguồn: Fecon).

Công ty cũng đặt mục tiêu ba năm tới ít nhất mỗi năm sẽ đầu tư một dự án và hoàn thành hai dự án đến 2021 mang về lợi nhuận ước tính chiếm 20-25% tổng lợi nhuận toàn công ty. Từ năm 2023 trở đi, trong số 50% lợi nhuận đến hoạt động đầu tư, mảng năng lượng tái tạo có thể tạo ra 60% lợi nhuận.

"Chúng tôi kỳ vọng 4 dự án thi công nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận thời điểm này mang lại cho Fecon khoản doanh thu khoảng trên 200 tỉ đồng bao gồm 63 tỉ đồng từ Nhà máy điện Vĩnh Hảo 6; 81 tỉ đồng từ dự án Hồng Phong 1A và 1B; 45 tỉ đồng từ dự án Sunseap… ", đại diện Fecon chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu vào đầu tháng 6.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, khi nhu cầu đầu tư tăng mạnh thì khoản phải thu của Fecon cũng tăng mạnh khiến dòng tiền kinh doanh âm liên tục từ 2014.

KPT-231

Doanh thu và khoản phải thu Fecon hàng quý (Đơn vị: tỉ đồng, nguồn: Fecon)

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), với dòng tiền kinh doanh âm và nhu cầu đầu tư lớn, dòng tiền từ hoạt động tài chính trở thành nguồn lực chính giúp công ty mở rộng quy mô và đầu tư. 

Đây là điểm yếu rất lớn trong sức khỏe tài chính của Fecon, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán và sinh lời của doanh nghiệp.

fecon-dong-tièn

Nguồn: FTPS.


Minh Anh